Về nguyên tắc chung, người bị kết án trong vụ án hình sự phải chấp hành đầy đủ nội dung bản án đã tuyên. Tuy nhiên, với chính sách khoan hồng, nhân đạo, hướng thiện, thực hiện mục đích của hình phạt là cải tạo giáo dục, quá trình cải tạo giáo dục, người thi hành án hình sự có thể được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn.

Dưới góc độ pháp lý, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Theo quy định của Luật Đặc xá thì đặc xá phải tuân thủ các nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch; Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Phạm nhân nhận quyết định đặc xá. Ảnh: Phạm Hải

Bởi vậy, sẽ có những nhóm tội, những đối tượng phạm tội sẽ không được đặc xá dù có chấp hành tốt trong quá trình cải tạo để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Có một số đối tượng, một số nhóm tội được đặc xá khi có đủ các điều kiện, trong đó có thể là điều kiện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với phần thiệt hại về dân sự trong vụ án hình sự.

Bản chất của hình phạt là hướng đến mục tiêu cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Khi bị cáo đã cải tạo một thời gian cần thiết, đã thay đổi về nhận thức và tư duy, biết ăn năn, hối cải về hành vi của mình thì việc tiếp tục cải tạo sẽ không cần thiết nữa.

Nếu đưa họ trở về với đời sống xã hội, họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, khi đó quyết định họ được đặc xá là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, thể hiện tính nhân văn của chế độ. 

Quy định về đặc xá, các điều kiện, tiêu chuẩn để được đặc xá cũng là giấc mơ, là mục tiêu, là động lực để người chấp hành hình phạt tù nuôi hy vọng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, cải tạo để khắc phục, sửa chữa những lỗi lầm của mình, rèn luyện mình trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Cùng một hành vi phạm tội nhưng đối với mỗi người có những nhận thức khác nhau thì thời gian chấp hành hình phạt sẽ khác nhau. 

Đối với những người có cùng hình phạt nhưng quá trình thi hành án hình sự, mức độ tu dưỡng rèn luyện, kết quả cải tạo khác nhau thì thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại cũng sẽ khác nhau. 

Với những người đã nhận thức được lỗi lầm của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, xét thấy việc tha tù trước thời hạn sẽ thể hiện sự khoan hồng nhân đạo và không gây ra những nguy hiểm cho xã hội, những người đó xứng đáng được đặc xá để trở về với đời sống xã hội.

Còn với những đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, nếu tái phạm có thể gây ra nguy hại lớn cho xã hội, kết quả giáo dục cải tạo không hiệu quả, không thấy ăn năn hối cải về hành vi của mình sẽ không thuộc trường hợp được đặc xá. 

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ về chủ trương và thực hiện đặc xá

Nếu đặc xá "nhầm" đối tượng, sai đối tượng, không có nguyên tắc sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm, gây ra những nguy cơ mất ổn định xã hội. 

Bởi vậy việc đặc xá phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật Đặc xá, đối tượng, thành phần, điều kiện, tiêu chuẩn để được đặc xá phải được quy định chặt chẽ.

Các hành vi bị cấm trong thực hiện hoạt động đặc xá

Luật Đặc xá hiện hành không quy định cụ thể bao nhiêu lâu thì quyết định đặc xá một lần. Trước đây khoảng 1-3 năm đặc xá một lần, thời gian qua thì 4-5 năm mới đặc xá một lần. 

Năm 2021 có đợt đặc xá sau nhiều năm không thực hiện, năm nay lại tiếp tục đặc xá. Việc đặc xá hay không đặc xá căn cứ vào tình hình tội phạm, điều kiện kinh tế xã hội và căn cứ vào kết quả thi hành án hình sự chứ không phải nguyên nhân do "nhà tù quá tải" như nhiều người suy nghĩ.

Luật Đặc xá cho phép việc quyết định đặc xá hay không đặc xá do Chủ tịch nước quyết định, không phụ thuộc vào chu kỳ, thời gian. Theo đó, Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; 

Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này (Điều 5, Luật Đặc xá năm 2018).

Luật Đặc xá cũng quy định các hành vi bị cấm trong thực hiện hoạt động đặc xá như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện được đặc xá; Không đề nghị đặc xá cho người đủ điều kiện được đặc xá; cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá; Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá; 

Cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá trái quy định của pháp luật; Từ chối cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu mà theo quy định của pháp luật người được đề nghị đặc xá phải được cấp, xác nhận; Giả mạo giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm điều cấm của Luật Đặc xá thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc trong trường hợp Chính phủ đề nghị đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ và dự thảo Quyết định về đặc xá. Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá.

Khi có Quyết định về đặc xá, Chủ tịch nước quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá bao gồm Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ và các ủy viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức khác.

Sự khoan hồng của pháp luật

Quy định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 và đặc xá năm 2022 là phù hợp với quy định của luật đặc xá, phù hợp với điều kiện đấu tranh phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. 

Các điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá năm 2022 là hợp lý, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo, nhân văn của nhà nước, là cơ hội và là động lực cho các phạm nhân khác tiếp tục nỗ lực cố gắng cải tạo, phấn đấu trong quá trình thi hành án để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Người được đặc xá có cơ hội trở về với gia đình trước thời hạn án phạt từ. Ảnh: Phạm Hải.

Bản chất của đặc xá là tha tù trước thời hạn. Có nghĩa rằng, người chấp hành hình phạt tù sẽ không phải chấp hành hết thời gian thi hành án hình sự đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật do trong quá trình cải tạo người đó đã tiến bộ vượt bậc, ngoài những đánh giá của hội đồng xét xử khi tuyên án. 

Mục đích của hình phạt là để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tòa án sẽ quyết định mức hình phạt và loại hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo trong các vụ án hình sự. 

Nhưng phán quyết của tòa chưa phải là kết quả bất di bất dịch, không thể thay đổi. Pháp luật còn khoan hồng, tạo cơ hội cho người chấp hành hình phạt tù tiếp tục cải tạo, phấn đấu để rút ngắn thời gian cải tạo, có thể được trở về sớm hơn thời gian mà hội đồng xét xử đã quyết định trong bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Quy định về đặc xá trong pháp luật Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật. Là cơ hội, động lực cho người chấp hành hình phạt tù tuân thủ quy định của luật thi hành án hình sự, nỗ lực phấn đấu cố gắng để có cơ hội lập công chuộc tội, tu dưỡng rèn luyện bản thân trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. 

Khi các tiêu chí, tiêu chuẩn mà Quốc Hội, Chủ tịch nước đã đưa ra mà người thi hành hình phạt tù đáp ứng được, họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, việc thả họ về với đời sống xã hội thể hiện sự nhân đạo và là cơ hội cho họ tiếp tục công hiến, đóng góp công sức cho xã hội và là những tấm gương để những phạm nhân khác học theo, cải tạo tốt hơn.

Thời gian chấp hành hình phạt tù là để cải tạo người phạm tội, đồng thời cũng là để răn đe cảnh tỉnh những người khác. Khi mục đích cải tạo giáo dục đã đạt được rồi, quá trình cải tạo giáo dục cũng đảm bảo đã răn đe, phòng ngừa chung với xã hội rồi thì phạm nhân không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, việc duy trì hình phạt tù là không cần thiết. 

Bởi vậy việc đặc xá là một hoạt động tất yếu, nhân văn, nhân đạo góp phần thực hiện tốt hơn Luật thi hành án hình sự, đảm bảo hiệu quả của hình phạt và thể hiện bản chất khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường