Một ngân hàng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát – Ngân hàng Nhà nước. Vậy, điều gì khiến cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện những phi vụ rút tiền ngàn tỷ?

5 tỷ đồng phải xin phép

Đầu năm 2012, sau khi thanh tra nắm được thực trạng tài chính của Trustbank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt ngân hàng này vào tình trạng kiểm soát. Song song với các nỗ lực tái cơ cấu Trustbank, theo quy định pháp luật, NHNN đã thành lập Tổ giám sát thuộc NHNN đặt tại Trustbank (sau đó là VNCB) để giám soát hoạt động của ngân hàng này.

{keywords}

Ông Phạm Công Danh (ảnh nhỏ) và trụ sở VNCB.

Theo quy định, Tổ giám sát có nhiệm vụ chỉ đạo dàn lãnh đạo của VNCB xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động; chỉ đạo và giám sát việc triển khai các giải pháp được nêu trong phương án củng cố tổ chức và hoạt động; báo cáo NHNN về tình hình hoạt động và kết quả thực hiện. NHNN yêu cầu mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát.

Thời điểm ấy, Tập đoàn Thiên Thanh như “gã khổng lồ” đang nổi đình đám với những giấc mơ ngàn tỷ, những siêu dự án hàng triệu USD còn đang bỏ dở. Và cũng tại thời điểm ấy, phía sau ánh hào quang của “gã khổng lồ”là những khoản nợ, khoản chi không hề nhỏ.

Do cần tiền để trả lãi ngoài, chăm sóc khách hàng, trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh và các doanh nghiệp trong tập đoàn này, Phạm Công Danh đã lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT VNCB và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện hành vi trái pháp luật để rút tiền.

18.687 tỷ đồng “lọt lưới”

Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2013, để có tiền sử dụng, chi chăm sóc khách hàng, Danh tổ chức cuộc họp có 5 người gồm Danh, Phan Thành Mai – Tổng Giám đốc VNCB, Mai Hữu Khương – Giám đốc khối kinh doanh VNCB đồng thời là thành viên HĐQT phụ trách Bộ phận tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh, Nguyễn Quốc Viễn - Trưởng Ban kiểm soát VNCB, Phan Minh Tùng – Nhân viên tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh để bàn bạc tìm cách rút tiền từ VNCB.

Để “qua mặt” Tổ giám sát cũng như quy định giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải báo cáo, Danh chấp nhận đề xuất của Mai là sẽ rút tiền thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Đây là một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt nên chắc chắn sẽ được thông qua.

{keywords}
Ông Phạm Công Danh tại toà chiều 19/7

Sau khi bàn bạc, Mai Hữu Khương soạn thảo hợp đồng và phụ lục hợp đồng khống với nội dung Công ty An Phát (do Danh thuê người khác đứng tên) sẽ cung cấp gói dịch vụ nâng cấp hệ thống Corebanking cho VNCB với giá 252 tỷ đồng. VNCB đã chuyển khoản tạm ứng cho An Phát 63,276 tỷ đồng. Sau đó, Danh cho người rút số tiền này để trả lãi vượt trần, chi chăm sóc khách hàng

Tháng 6/2013, cũng để có tiền trả nợ cho Thiên Thanh và trả lãi vay ngoài, Phạm Công Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương cùng các thuộc cấp lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành giữa VNCB với một “công ty ma” khác có tên là Trung Dung (do Danh thuê Nguyễn Văn Bình - lái xe của Thiên Thanh đứng tên Tổng Giám đốc). Với lý do thanh toán tiền thuê mặt bằng, VNCB chuyển khoản cho Trung Dung 201 tỷ đồng, Danh rút ra sử dụng.

Tương tự với việc lập hợp đồng thuê trụ sở khống tại 816 Sư Vạn Hạnh, Danh “rút ruột” thêm của VNCB 400 tỷ đồng. Dư luận có thể đặt câu hỏi tại sao tại thời điểm trên VNCB đang trong tình trạng “cạn tiền” nhưng Danh vẫn rút được tiền từ VNCB? Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB đã làm gì?

Trước đó, đầu năm 2012, để thỏa mãn “cơn khát” tiền, sau khi nắm quyền chi phối và kiểm soát VNCB, Phạm Công Danh thông qua người phụ nữ có biệt danh “T.P.N” đặt vấn đề với một doanh nhân là T.N.B và một số người thân của gia đình bà B gửi tiền vào VNCB.

Dòng tiền bắt đầu từ việc nhóm bà T.N.B gửi vào VNCB hàng ngàn tỷ đồng theo hình thức gửi tiết kiệm, nhận lại sổ. Sau đó, nhóm B lại vay lại số tiền trên. Phạm Công Danh chỉ đạo các thuộc cấp lập hồ sơ cho nhóm B vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm.

{keywords}

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 19/7 Ảnh: Lao động

Trong hai ngày 21 và 26/8/2013, VNCB đã giải ngân và chuyển khoản vào tài khoản của T.N.B tổng cộng 5.190 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền trên, Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuyển từ tài khoản của B vào tài khoản của mình nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản. Những khoản tiền này được Danh dùng để chăm sóc khách hàng và trả nợ cho chính những khoản vay trước đó dẫn đến VNCB bị thiệt hại.

Bản cáo trạng xác định, số tiền Danh đã rút ra tổng cộng tới 18.687 tỷ đồng, trừ đi những khoản rút vay sau được trả cho khoản vay trước thì VNCB còn thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Quy định mọi giao dịch trên 5 tỷ đồng phải xin ý kiến Tổ giám sát NHNN thế nhưng bằng những thủ đoạn tinh vi, hàng ngàn tỷ đồng của VNCB như một “gã khổng lồ” đã chui lọt lỗ kim!

Để xảy ra vụ án này, 4 cá nhân nguyên là thành viên Tổ giám sát của NHNN đã bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, hành vi của các cá nhân có liên quan trong việc NHNN chấp thuận để Phạm Công Danh đại diện nhóm cổ đông mới tham gia tái cơ cấu Trustbank, chấp thuận để Danh tham gia vào Hội đồng quản trị ngân hàng này cũng được tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm.

M.Phượng