Để thực thi nền dân chủ ở Việt Nam, Quốc hội đóng vai trò hàng đầu. Nhưng muốn được thế, còn nhiều việc phải làm để Quốc hội đáp ứng các chuẩn mực đã hình thành từ hàng trăm năm nay.
LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 3 bài viết nhận diện các điểm khác biệt của Quốc hội VN so với các nước.
Kỳ 1: Bao giờ 'nghị sỹ' Việt tiếp dân ở... siêu thị?
Kỳ 2: Quốc hội và tách cafe
>> Hỏi chuyện người hai lần rơi nước mắt ở nghị trường
>> Khi các 'quan' tỉnh được giám sát
Tránh xung đột lợi ích
Để tránh xung đột lợi ích công-tư, bộ quy tắc ứng xử và nội quy nghị viện nhiều nước, cả các nước phát triển và đang phát triển, thường bắt buộc nghị sỹ phải minh bạch hóa các mối quan hệ, tài sản, công việc của mình.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam đang thiếu hoặc còn chưa có sự quy định đầy đủ để phòng ngừa sự xung đột lợi ích trong hoạt động của đại biểu Quốc hội; không có các quy định nhằm tránh cho ĐBQH phải kiêm nhiệm các công việc dẫn đến xung đột lợi ích trong khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu như: các chức danh quản lý hành chính nhà nước; lãnh đạo doanh nghiệp, v.v...
Xung đột lợi ích được hiểu là khi công việc của đại biểu Quốc hội có thể dẫn đến lợi ích vật chất trực tiếp cho đại biểu hoặc người thân của đại biểu. Ví dụ, nếu người nhà của đại biểu là chủ một doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí, và Quốc hội đang thảo luận về luật khai thác dầu khí, có thể được xem đó là xung đột lợi ích.
Quy tắc ứng xử của đại biểu Quốc hội buộc đại biểu đó phải công khai sự liên quan của mình đến nội dung của đạo luật đó, và nếu cần đại biểu đó không nên hoặc không được tham gia biểu quyết. Pháp luật nhiều nước quy định, nếu một doanh nhân trở thành nghị sỹ, ông/bà ta phải tạm ngừng kinh doanh, tài khoản kinh doanh bị khóa trong suốt thời gian làm nghị sỹ.
Đòi hỏi về tránh xung đột lợi ích cũng làm sáng tỏ trường hợp nào đại biểu Quốc hội có thể kiêm nhiệm, trường hợp nào không được. Ví dụ, đại biểu Quốc hội không thể kiêm nhiệm các chức danh hành chính (chứ không phải hành pháp); có lợi ích về tài chính thì không được làm thành viên Ủy ban tài chính... Đại biểu nên tránh những việc khiến cho mình khó xử khi thảo luận, biểu quyết, ví dụ không nên nhận lời tham quan nước ngoài từ những cơ quan, tổ chức có quyền lợi liên quan đến dự án đang được xem xét ở Quốc hội.
Để hoạt động ở nghị trường, quyền trình dự luật của nghị sỹ được quy định ở hầu hết các nước. Theo thống kê của IPU, ở 82 nước có số liệu, nghị sỹ đều có quyền này. Trên thực tế, số lượng dự luật của nghị sỹ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chương trình nghị sự, còn số lượng dự luật của nghị sỹ trở thành luật càng ít ỏi hơn. Tuy nhiên, nghị sỹ có thể sử dụng quyền trình dự luật để thể hiện chính kiến, đánh động, nêu vấn đề.
Khi có sáng kiến lập pháp, các nghị sỹ có nhiều cách lựa chọn để có thể thể hiện ý tưởng lập pháp của mình. Dù ít trình dự luật, nhưng các điều kiện luôn sẵn có để lúc nào cần thì nghị sỹ có thể trình được ngay.
Trong khi đó, ở Việt Nam, vì thiếu sự hỗ trợ về chuyên môn và thiếu quy trình, thủ tục, trong suốt gần 70 năm, chỉ có 1-2 trường hợp ĐBQH trình dự luật và cũng không được đưa vào chương trình của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội trong một phiên họp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đại biểu có thể bị bãi nhiệm
Giống với nghị sỹ các nước, đại biểu Quốc hội Việt Nam có những đặc quyền nhất định như quyền miễn trừ; quyền không bị cho thôi việc. Tuy nhiên, ĐBQH Việt Nam không được hưởng đặc quyền không phải chịu trách nhiệm pháp lý, không bị kiện về những phát biểu tại Quốc hội.
Đối chiếu với các nước, nghị sỹ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những lời phát biểu của mình ở nghị trường, các uỷ ban, cũng như trong những trường hợp khác, khi lời phát biểu mang tính chất công; về việc bỏ phiếu; về nội dung các dự luật do nghị sỹ đưa ra; về các câu hỏi chất vấn; các kiến nghị sửa đổi, bổ sung... Theo một giáo sư nghiên cứu luật hiến pháp Anh, nếu thiếu quyền này, nghị viện chỉ là "một câu lạc bộ tranh luận lịch sự nhưng kém hiệu quả".
Ngày nay, quyền tự do phát biểu và biểu quyết của nghị sĩ được hiến pháp của nhiều nước như các nước Bắc Âu quy định, hoặc được quy định không thành văn ở Thuỵ Sĩ và Anh quốc. Ở Úc, năm 1997, Toà án Tối cao tuyên bố, những đặc quyền của nghị sỹ tồn tại không phải vì lợi ích của bản thân nghị sỹ, mà để bảo vệ quyền lợi công chúng.
ĐBQH Việt Nam có thể bị cử tri bãi nhiệm giống ở một số ít nước như Trung Quốc, Belarus, Indonesia, Cuba, Namibia.... Tuy nhiên, ở hầu hết các nước, nghị sĩ không bị cử tri bãi nhiệm, nhằm để nghị sỹ có thể yên tâm hoạt động vì lợi ích tổng thể của quốc gia, không chịu sức ép từ cử tri chỉ phục vụ cho những lợi ích của khu vực bầu cử.
Cơ chế bãi nhiệm còn có thể dẫn đến việc phân rã xã hội, vì nghị sỹ có thể phải chịu lệnh từ những nhóm cử tri quá khích để hành động, biểu quyết mà không cố gắng tìm kiếm sự dung hòa, đồng thuận vì lợi ích quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều nước như Pháp, Bulgaria, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc..., Hiến pháp cấm bãi nhiệm nghị sỹ. Mặc dù vậy, nếu làm việc không tốt, cử tri sẽ không bầu nghị sỹ vào kỳ bầu cử tiếp theo.
Khác với ĐBQH Việt Nam, nghị sĩ nhiều nước được đảm bảo các điều kiện hoạt động đầy đủ bao gồm: nhân viên giúp việc thuộc Văn phòng nghị sỹ ở khu vực bầu cử; lương và các khoản phụ cấp đủ để sống, thuê chuyên gia, thuê nhân viên, đi lại v.v...; các trang thiết bị làm việc; thông tin và dịch vụ nghiên cứu do Văn phòng nghị viện cung cấp. Trong đó có các điều kiện để trình các dự án luật, nhất là có một đơn vị thuộc Văn phòng nghị viện giúp xây dựng dự thảo luật.
ĐBQH ở địa phương, nhất là đại biểu chuyên trách có Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hỗ trợ, nhưng nhiều nơi chủ yếu về mặt hành chính, về mặt chuyên môn còn hạn chế. ĐBQH chuyên trách ở Trung ương nhận được sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, có khoản kinh phí thuê chuyên gia. Tuy nhiên, so với nghị sĩ nhiều nước, những điều kiện này chưa thể sánh bằng, nhất là chưa có một đơn vị chuyên hỗ trợ đại biểu trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Để kết thúc bài này, xin trích dẫn một câu trong Báo cáo toàn cầu về nghị viện của IPU năm 2012: "Có nghị viện chưa chắc đã có dân chủ, nhưng nền dân chủ không thể thiếu nghị viện." Như vậy, để thực thi nền dân chủ ở Việt Nam, Quốc hội đóng vai trò hàng đầu. Nhưng muốn được thế, còn nhiều việc phải làm để Quốc hội đáp ứng các chuẩn mực đã hình thành từ hàng trăm năm nay qua thực tiễn phát triển nghị viện trên thế giới, qua đó hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn.
- Nguyên Lâm