CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa có một động thái mở rộng kinh doanh sang một lĩnh vực hoàn toàn mới: bán đồng hồ thời trang, thay vì chỉ dồn lực vào mảng bán lẻ điện thoại di động, điện máy và thực phẩm...
Trong vài ngày qua, trên trang web của Thế giới Di động hiện diện một mục kinh doanh mới với nhiều loại đồng hồ của nhiều thương hiệu đồng hồ thời trang nổi tiếng. Bên cạnh các thương hiệu đồng hồ thông minh (smart watch) như Apple, FitBit của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc, Garmin của Thụy Sĩ, Huawei, Xiaomi của Trung Quốc..., MWG đã mở bán nhiều loại đồng hồ thời trang như Casio, Edifice, Sheen, G-Shock, Baby-G, Fossil, Micheal Kors...
Phần lớn các sản phẩm MWG bán đều thuộc phân khúc 6-10 triệu đồng/chiếc. Đây cũng là mảng mà nhiều đại gia bán lẻ khác cũng đã nhảy vào và thu về các tin hiệu khá tốt.
Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dũng và Doji của ông Đỗ Minh Phú tấn công vào lĩnh vực bán lẻ đồng hồ thời trang, ông lớn bán lẻ hàng đầu Việt Nam Thế giới Di động cũng đã bắt đầu thâm nhập vào một lĩnh vực có giá trị ước tính lên tới cả tỷ USD.
Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài tấn công vào một lĩnh vực kinh doanh mới. |
Sở dĩ đại gia Thế giới Di động nhảy vào lĩnh vực này là bởi phân khúc đồng hồ trung và cao cấp có giá cao cần có được sự tin tưởng của khách hàng. Uy tín của các doanh nghiệp như Doji, PNJ hay MWG là một loại tài sản vô hình có thể mang đến lợi thế lớn cho các doanh nghiệp này.
Với quy mô dân số đông và thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu đối với các đồ trang sức phụ kiện như đồng hồ ngày càng tăng. Quy mô của thị trường đồng hồ cũng được đánh giá rất lớn. Đây là một mảng có thể bổ sung doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp như MWG, khi mà các doanh nghiệp này có mạng lưới bán lẻ lớn, được biết đến rộng rãi.
MWG được xem là có lợi thế không chỉ ở 2 thị trường chính như Hà Nội và TP.HCM, mà còn ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước nhờ hệ thống sẵn có. Cùng với đó, thị trường đồng hồ thời trang hiện nay đang gặp phải khó khăn do bị phân mảnh, nhiều hãng đồng hồ bị làm giả.
Trong vài năm gần đây, các đại gia bán lẻ hàng đầu Việt Nam dồn dập tận dụng cơ hội để mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường trước khi nền kinh tế bước sang một giai đoạn mới. Những nguồn lực khổng lồ được huy động có thể khiến doanh nghiệp bứt phá.
Trong năm 2018, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài đã có những bước bứt phá ngoạn mục, trong đó doanh thu tăng 30% so với 2017 lên hơn 87,7 ngàn tỷ đồng (3,8 tỷ USD).
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn đồng loạt vào lĩnh vực kinh doanh đồng hồ thời trang. |
Trong 10 năm qua, doanh thu của MWG đã tăng khoảng hơn 40 lần, trong khi lợi nhuận tăng khoảng 60 lần. MWG đặt mục tiêu kiếm 300 tỷ/ngày trong năm 2019.
Hiện tại, Thế giới Di động của đại gia gốc Nam Định vẫn tập trung vào 3 mảng gồm: điện thoại, điện máy và hàng tiêu. MWG trong năm 2018 đã chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm Điện máy Trần Anh - đại gia điện máy số 1 ở miền Bắc.
Riêng mảng Điện Máy Xanh, doanh nghiệp của ông Tài cũng đã mở rộng chuỗi cửa hàng lên đến hơn 700 đơn vị, phủ khắp cả nước với cả vạn nhân viên.
Trong năm 2019, mảng bán lẻ điện thoại và điện máy vẫn là nguồn thu chủ lực của MWG. Trong đó, điện máy là động lực tăng trưởng và MWG hướng tới mục tiêu 40% thị phần ở mảng này.
Cũng trong năm 2019, MWG đặt mục tiêu mảng Bách hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp và có thể sẽ mở rộng ra thị trường miền Bắc với mục tiêu khoảng 700 cửa hàng trên phạm vi cả nước vào cuối năm nay. Đây là một mảng kinh doanh được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng cao và cạnh tranh trực tiếp với chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong đại hội cổ đông năm 2018, cổ đông của CTCP Thế giới Di động (MWG) đã thông qua ngân sách 2,5 ngàn tỷ đồng để HĐQT, đại diện là chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, thực hiện mục tiêu thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng điện máy, đồng thời xây dựng một chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Ông Nguyễn Đức Tài |
Mặc dù phát triển khá mạnh nhưng gần đây, MWG hay một số đại gia bán lẻ truyền thống khác cũng đang đối với mặt với những khó khăn do thị trường bão hòa. Các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh bán lẻ online.
Trong năm 2018, MWG đạt doanh thu online kỷ lục: gần 12,4 ngàn tỷ đồng (530 triệu USD), tăng gấp hơn 2 lần so với 2017, vượt qua tất cả doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tuy nhiên, MWG đang chịu sức ép lớn đến từ các đại gia bán lẻ trực tuyến ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam như: Amazon của Mỹ, Lazada của Alibaba,…
MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng gặp khó khăn về vấn đề quản trị khi mà hồi tháng 11/2018 doanh nghiệp dính tới vụ việc bị cáo buộc việc lộ thông tin của 5 triệu khách hàng. Mặc dù MWG phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vụ việc cũng khiến cổ phiếu này giảm mạnh và khách hàng lo sợ.
Ông Nguyễn Đức Tài là một doanh nhân khá trẻ và có tham vọng lớn. Những quyết định táo bạo, những cú bứt phá ngàn tỷ và những tham vọng tỷ USD, nhóm lên nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Tuấn Linh