- "Người ta nói truyền thông là đi bán sự ồn ào, quan trọng là sau sự ồn ào ấy có một trái tim hay không. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều để tạo ra sự chú ý không phải vì ngông nghênh, thích thể hiện mà từ tấm lòng muốn làm cho những ai đang uống rượu “bẩn” phải tỉnh ngộ”, lý giải của TS Tô Văn Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty AVINAA, “đại gia thách 5 tỉ” trong đoạn clip gây xôn xao một số diễn đàn trên mạng.

TIN BÀI KHÁC

- Thưa ông, chuyện thách 5 tỉ này là có thật hay chỉ là chiêu “chém gió” như cách gọi của cư dân mạng?

Lời thách thức này là có thật, tất cả những ai tìm được các độc tố trong rượu AVINAA lớn hơn so với tiêu chuẩn cho phép đều sẽ được bồi thường 5 tỉ đồng, miễn là họ sử dụng mẫu rượu chuẩn của AVINAA và thí nghiệm bằng những công cụ đo lường mang tính khoa học được thừa nhận.

TS Tô Văn Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty AVINAA

Cụ thể ở đây là ba hợp chất rất độc hại phổ thông có trong rượu là methanol, chất làm mờ mắt thậm chí mù mắt tức thời nếu quá ngưỡng; ester, chất có mùi thơm nhưng gây tê liệt thần kinh hay các cụ ta gọi là nát rượu; và aldehyde, chất gây đau đầu như búa bổ. Hàm lượng Bộ Y tế cho phép đối với các chất này trong rượu chúng tôi đã ghi rõ trong đoạn clip.

- Nếu có người muốn thử, họ có thể thử ở đâu?

Họ có thể mang bất kỳ chai AVINAA Vodka nào đến những Trung tâm đo lường chất lượng, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở y tế dự phòng… để kiểm tra các hàm lượng có trong rượu.

Tôi đã đi nghiên cứu về qui trình sản xuất rượu ở trên 10 nước phát triển ở Châu Âu và tôi khẳng định rằng “Không có công nghệ tốt, không thể có rượu ngon”, đó là chân lý không phải bàn cãi.

Rượu nấu theo kiểu thủ công chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và những bộ lạc của Châu Phi thôi. Bản thân rượu nấu thủ công mà dân ta gọi là rượu quê thì hàm lượng este, adehyde và methanol đã cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với cho phép rồi. Hơn thế, thời gian gần đây, báo chí đưa tin “công nghệ rượu không khói” cho ra lò toàn rượu “quê rởm” theo kiểu “cồn khô + nước lã” thì những độc tố này còn cao gấp hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Tôi cho rằng phải có những chiến dịch để phổ biến và thông tin tới người tiêu dùng rằng hãy tránh xa “rượu bẩn” và tiến dần tới loại bỏ hẳn rượu nấu thủ công không bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Kinh hoàng "công nghệ" chế rượu bẩn (Ảnh: VNN)

- Có người đã thách ngược các anh uống hết 5 lít AVINAA xem liệu còn tỉnh táo không, anh có dám nhận lời thách trên?

Uống rượu bị say và uống bị nhiễm độc tố là hai khái niệm khác nhau. Rượu là đồ uống chứa cồn ethanol nên sẽ gây say khi uống đến một mức độ nào đó. Nhưng trong rượu không chỉ có ethanol mà còn tồn tại nhiều chất độc hại khác như tôi đã kể ở trên. Nếu không được tinh lọc trên dây chuyền hiện đại, những chất trên sẽ gây mờ mắt, tê liệt thần kinh và đau đầu. Không nên uống quá nhiều dẫn tới mất kiểm soát do say rượu.

Việc thách tôi uống hết 5 lít AVINAA (cười), tất nhiên là tôi chưa bao giờ uống nhiều đến như thế. Nhưng tôi khẳng định với bạn nếu tôi hay bạn uống rượu đã qua hệ thống lọc tốt như dây chuyền của chúng tôi thì giả sử bạn có quá chén một chút nhưng chỉ sau một đêm ngủ ngon, bạn sẽ vẫn tỉnh táo, không mệt mỏi.

- Cư dân mạng cho rằng đây là cách PR của các anh, các anh nghĩ sao?

PR hay tự quảng cáo cho mình chưa bao giờ là xấu. Chúng tôi không bao giờ phủ nhận những nỗ lực tự quảng bá của chính mình. Người ta nói truyền thông là đi bán sự ồn ào, quan trọng là sau sự ồn ào ấy có một trái tim hay không. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều để tạo ra sự chú ý không phải vì ngông nghênh, thích thể hiện mà từ tấm lòng muốn làm cho những ai đang uống rượu “bẩn” phải tỉnh ngộ.

Chúng tôi không chỉ PR cho mình mà còn muốn đánh động mối quan tâm của xã hội về một vấn đề lớn hơn: đó là sức khoẻ của người Việt bị ảnh hưởng nặng nề bởi uống rượu “bẩn”, nó nguy hiểm đến giống nòi của dân tộc Việt.

Như bạn biết. rượu ngấm thẳng qua thành ruột để vào máu nên nếu uống phải rượu độc thì các độc tố ngấm ngay vào trong máu trực tiếp và ảnh hưởng rất nhanh tới sức khoẻ của con người. Nhìn vào thực tế, bạn có thể thấy những người đàn ông Việt Nam ở các vùng quê thường phải dùng rượu thủ công, rượu bẩn, cơ thể của họ rất quặt quẹo, có khi mới 50 nhưng đầu óc đã rất lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, mắt mờ như những ông cụ trên 70 hoặc 80 tuổi. Đó là do tác hại của rượu.

90% người Việt đang sử dụng những loại rượu cỏ, rượu lậu, rượu trôi nổi, rượu nấu thủ công còn chứa rất nhiều hợp chất độc hại. Nhưng họ không ý thức được điều đó, tôi rất ngạc nhiên là nhiều trí thức hẳn hoi khi về quê vẫn có thói quen xách lên bình rượu nấu thủ công. Thực sự các loại rượu đó không hề an toàn cho sức khỏe của người uống.

Chúng tôi muốn phát động một chiến dịch: Hãy nói KHÔNG với rượu bẩn. Người tiêu dùng cần ý thức vấn đề này để chính bản thân mình không bị “đầu độc” bởi các loại rượu mà chúng tôi gọi chung là rượu “bẩn”. 5 tỉ nhỏ hơn nhiều so với cái giá ấy.
  • Lan Ngọc