Giấy phép thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký trong ngày 16/5. Theo giấy chứng nhận đầu tư, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đặt trụ sở chính tại Khu công nghệ cao TP.HCM với diện tích đất là 15 héc-ta.
Theo quyết định thành lập số 819 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký, nêu rõ: Trường ĐH Fulbright Việt Nam là cơ sở giáo dục ĐH 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động không vì lợi nhuận.
Quyết định do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công bố sáng 17/5 |
Trường có trụ sở chính tại TP.HCM; chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ GD-ĐT và sự quản lý nhà nước về lãnh thổ của UBND TP.HCM.
Trường ĐH Fulbright Việt Nam có tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam, viết tắt: FUV.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, ngày 10/7 tại New York, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự lễ trao giấy chứng nhận đầu tư của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho dự án FUV.
FUV là trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận đầu tiên của VN do Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) đầu tư.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đặt trụ sở chính tại Khu công nghệ cao TP.HCM với diện tích đất là 15 héc-ta.
Đại học Fulbright Việt Nam được xây dựng với mô hình là một cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
Trường được xây dựng trên cơ sở phát huy nguồn vốn và con người của Trường Fulbright. Vốn đầu tư thực hiện dự án Trường Đại học Fulbright Việt Nam là 70 triệu đô la Mỹ. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn đầu (đến năm 2016) là 5,3 triệu đô la Mỹ, giai đoạn hai (2017 – 2020) là 20 triệu đô la Mỹ, và giai đoạn ba (2020 – 2030) là 44,7 triệu đô la Mỹ.
Trường ĐH Fulbright là một cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài không vì lợi nhuận. FUV do Quỹ tín thác sáng kiến ĐH Việt Nam (TUIV) đầu tư tại TP.HCM.
Tài chính của quỹ dựa vào học phí, đóng góp thiện nguyện, các khoản tài trợ và nguồn thu từ quỹ trường. Do đó về quản trị, trường sẽ không có cổ đông như các trường tư thục khác mà do một hội đồng tín thác độc lập quản lý, hội đồng này sẽ thuê hiệu trưởng điều hành trường.
Trường tuân thủ những nguyên tắc quản trị thiết yếu của nền giáo dục ưu tú. Đó là tự do hàn lâm, đánh giá và tuyển dụng dựa trên năng lực, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ông ThomasVallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard cùng các cộng sụ nhận giấy chứng nhận đầu tư. (Ảnh TTXVN) |
FUV cũng sẽ đăng ký kiểm định chất lượng từ các tổ chức kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, trường chú trọng vào việc tuyển dụng các học giả tài năng và các nhà khoa học người Việt Nam thông qua thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ chế khuyến khích tương tự như những đại học hàng đầu ở nước ngoài.
Dự kiến, Trường ĐH Fulbright sẽ tuyển sinh sớm nhất vào cuối năm 2016. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu của FUV sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính sách công và quản lý, các ngành STEM (khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán) và y khoa, các ngành khoa học xã hội – nhân văn và các ngành khoa học liên ngành.
Ban đầu sẽ tập trung đào tạo bậc thạc sĩ các chuyên ngành chính sách công, quản lý và kỹ thuật. Sau đó mở rộng đào tạo bậc đại học và tiến sĩ. Các chương trình đào tạo khác của trường được phát triển với sự hợp tác một số đại học Mỹ.
FUV sẽ tiếp nhận chương trình thạc sĩ chính sách công (MPP) cùng hoạt động nghiên cứu hiện nay của Trường Fulbright.
Kiều Oanh