- Chạy trên trang nhất, trang thời sự chính của các nhật báo lớn trong nước số ra hôm nay (12/1) là  sự kiện khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tiêu điểm thời sự là những tiếng nói của đại biểu, ý kiến của các thành phần trí thức, người dân, kỳ vọng về một đại hội đổi mới, đột phá với những quyết sách quan trọng.

Quyết liệt với nạn tham nhũng 

Dành 2 trang thời sự chính, báo Tuổi Trẻ chuyển tải thông điệp của đại biểu trẻ nhất Đại hội XI Vương Thị Mỷ kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra những quyết sách phù hợp với thực tế đời sống người dân, giúp cho cá nhân có cơ hội phát triển tốt hơn. Hay ý kiến của đại biểu Võ Thị Dung - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM trăn trở làm thế nào phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo nhưng cần phân định rõ vai trò của từng vị trí trong hệ thống chính trị, cụ thể hóa chủ trương giám sát, phản biện...

Ảnh: LT
Tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng gửi tới Đại hội kỳ vọng tạo đột phá về cải thiện đời sống người dân, đề ra một chương trình tầm cỡ quốc gia "làm giàu cho dân nghèo", nhất là nông dân, công nhân và trí thức ở thành thị cũng như nông thôn. Ông mong mỏi một chương trình có tầm nhìn dài hạn 20-30 năm, một cuộc trường chinh mới, không những xóa đói nghèo mà còn tiến lên từng bước làm giàu cho người dân ở nhiều mức khác nhau, sao cho khi kết thúc chương trình thì người dân có mức sống trung lưu trở lên.

Báo cũng dẫn lời một sinh viên ở TP HCM mong muốn Đại hội Đảng lần này sẽ có những chủ trương, chính sách về giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, tránh tình trạng "hắt hủi" nhân tài ở một số tỉnh.

Báo Pháp Luật TP HCM ghi lại những tâm nguyện khá vĩ mô của người dân như "kích hoạt bộ máy các cơ quan chống tham nhũng hoạt động tích cực, hiệu quả hơn", với vai trò quyết liệt hành động đối với tham nhũng, vai trò tiên phong của Đảng trong việc phát động rộng rãi phong trào quần chúng tố giác tham nhũng. Hay đó là kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng, làm ảnh hưởng xấu đến Đảng, làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.

Báo ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Minh Hiển, một người dân ở TP HCM cho rằng "nếu Đảng ta có quyết tâm, có chế tài đủ mạnh để răn đe, nếu từng quan chức, từng cán bộ đảng viên đều có quyết tâm cao, có sự dũng cảm khi cùng nhau tham gia bài trừ tham nhũng thì chắc chắn nạn tham nhũng sẽ giảm dần, làm bớt đi những bức xúc của người dân. Thực hiện được điều này cũng là một cách để tăng niềm tin của dân đối với Đảng".

Báo Thanh Niên ghi lại ý kiến của một đại diện doanh nghiệp, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giấy Sài Gòn về chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ông cho rằng để có được sự cân bằng giữa khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, phải có được sự thay đổi từ tư duy của chính các cơ quan quản lý trong việc hoạch định các chính sách. Đảng và Nhà nước cần hoạch định chế độ hỗ trợ, vừa tạo động lực cho người lao động cải thiện trình độ, nâng cao tay nghề. Đồng thời cần tạo môi trường vĩ mô ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, qua đó chăm lo cho đời sống người lao động tốt hơn.

Kỳ vọng bầu tân Tổng Bí thư, các đại biểu khóa mới

Nhân sự Đại hội Đảng XI là một trong những nội dung được đề cập khá nhiều trên các trang báo. Đó là sự kỳ vọng của đại biểu, người dân vào bộ máy nhân sự mới với những con người đáp ứng yêu cầu thời cuộc, đáp ứng các tiêu chuẩn về trí tuệ, đạo đức, xứng đáng với lòng tin của nhân dân.

Báo Tiền Phong đăng bài phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, người từng tham gia 6 kỳ Đại hội Đảng. Về việc chọn người tài, ông Duyệt cho rằng nếu không căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ mà Trung ương đã đặt ra mà nặng về cơ cấu thì chắc chắn sẽ không thể tốt được. Không nên vì vấn đề cơ cấu mà lựa chọn những cán bộ tham gia 5 năm trời nhưng đóng góp cho Đảng rất hạn chế, mờ nhạt, tinh thần trách nhiệm không rõ.

Theo cựu Chủ tịch MTTQ Việt Nam, không nhất thiết cứ phải bộ trưởng hay bí thư tỉnh ủy là ủy viên Trung ương. Vấn đề là chọn những người thật xứng đáng. Muốn vậy, phương pháp cũng phải rất dân chủ. Ông mong muốn Đại hội lần này sẽ suy nghĩ nhân sự cho cả Đại hội sau và đề cao vai trò của người đứng đầu.

"Nếu 5 năm trời có quyết tâm, ý thức đổi mới, có trí tuệ thì 5 năm làm được nhiều việc lắm. Tất nhiên khuyết điểm bao giờ cũng có. Nhưng cũng 5 năm ấy mà cách làm việc không rõ gì cả, không mang lại sự đổi thay rõ ràng của đất nước và không có một ý thức chuẩn bị tốt cho đội ngũ lãnh đạo kế cận thì rất tiếc", ông Duyệt nói.

Gác mọi riêng tư...

Nhà báo Phan Lợi của báo Pháp luật TP HCM trong bài viết tự luận "Gác mọi riêng tư...", mấy chữ tít chính của bài dẫn từ lời yêu cầu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với toàn thể các ủy viên Trung ương khóa X nói riêng, 1377 đại biểu về dự Đại hội XI nói chung phát huy trách nhiệm cao nhất trước Đảng và trước nhân dân.
Trước thềm Đại hội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã công khai hầu hết những quan điểm khác nhau về những chủ trương, quyết sách lớn sẽ được bàn tại Đại hội. Từ việc giải quyết quốc nạn tham nhũng đến chế độ sở hữu đất đai; từ vai trò kinh tế nhà nước đến quan hệ của đảng cầm quyền với các đảng phái khác; từ việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng đến việc tái lập các ban đảng quan trọng nhằm kiểm soát quyền lực hành pháp... Hết thảy những chủ đề này đều nhận được các ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm nhằm mục tiêu đưa đất nước tới dân chủ, công bằng, văn minh.
Hướng về Đại hội, đông đảo quần chúng mong muốn các đại biểu “gác mọi riêng tư” phát huy trách nhiệm cao nhất để chọn ra nhân sự đúng, quyết sách đúng. Bài viết kết: Vào Lăng viếng Bác trước giờ Đại hội, như văng vẳng đâu đây lời Người: “Vào Đảng không phải là để làm quan phát tài”.

L.Thư (tổng hợp)