Với mục tiêu đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn và việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại được thông suốt, Việt Nam và Anh đã gấp rút đàm phán UKVFTA trên nguyên tắc kế thừa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Có thể kỳ vọng, UKVFTA sẽ là động lực quan trọng để đưa quan hệ giữa hai quốc gia cất cánh lên một tầm cao mới.

Đối tác top đầu

Tuy bị nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ước tính vẫn đạt 5,55 tỷ USD trong năm 2020. 

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,88 tỷ USD và nhập khẩu đạt 670 triệu USD. Anh hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam ra thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam luôn giữ vững mức thặng dư thương mại lớn tại thị trường này.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Vương quốc Anh gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản, nông sản qua chế biến, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo…  Việt Nam nhập khẩu chính từ Anh các sản phẩm như máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; dược phẩm, hóa chất…

{keywords}
Hiệp định UKVFTA chính thức được ký kết bởi đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước tại London (Vương quốc Anh). Ảnh: VGP

Hiện nay, dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước còn rất lớn, khi giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 0,88% tổng nhập khẩu của Anh và giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,17% giá trị hàng hóa Anh xuất khẩu ra thế giới. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Trong lĩnh vực đầu tư, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số 137 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. 

Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỉ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 9 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 11,5 triệu USD tại Anh.

Ngoài ra, hai nước còn có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và đạt hiệu quả tốt.

Cao tốc thông thương

Việc ký kết UKVFTA diễn ra trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đang thúc đẩy chiến lược chuyển trọng tâm hợp tác sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Đặc biệt, đối với thời kỳ hậu Brexit, hiệp định góp phần quan trọng giúp đảm bảo lợi ích và các điều khoản thương mại tốt nhất cho Anh với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và có độ mở cao nhất tại châu Á. Hiệp định, vì vậy, cũng được coi là hình mẫu FTA thế hệ mới giữa Anh và ASEAN trong tương lai.

Đối với Việt Nam, ngoài việc đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, UKVFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định với Anh, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, góp phần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.

Như vậy, với việc UKVFTA vừa được ký kết và đưa vào thực thi ngay vào thời điểm Brexit chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2021 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một mốc thời điểm chín muồi để mối quan hệ Việt - Anh cất cánh.

Cơ hội cho hàng loạt ngành hàng

Những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ hiệp định phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, qua đó hứa hẹn nâng cao tỉ trọng hàng hóa vào thị trường Anh, vốn chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng trị giá nhập khẩu của quốc gia này.

Đối với ngành thủy sản, nhóm hàng có lợi thế sớm nhất phải kể đến tôm và một số loại cá. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản từ 10-20% xuống 0%.

Với ngành dệt may, vốn tổng lượng xuất khẩu vào Anh mới chiếm 2,77% vào năm ngoái. Những cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA và UKVFTA hứa hẹn sẽ có sự gia tăng kim ngạch tại thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ EU, về lâu dài sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may mở rộng nguồn cung nguyên liệu, tránh lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Mặt hàng gạo của ta sau khi UKVFTA có hiệu lực sẽ có cơ hội lớn chưa từng có, đặc biệt là gạo thơm, để thâm nhập vào một trong 10 thị trường rộng lớn nhất thế giới, với những tiêu chuẩn khắt khe. 

Theo cam kết tại UKVFTA, Anh dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch miễn thuế là 13.358 tấn/năm. Mức hạn ngạch này sẽ được hai nước khởi động rà soát sau 3 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. 

Bên cạnh gạo, hơn 10 sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh khác của Việt Nam cũng được hưởng mức ưu đãi hạn ngạch miễn thuế này, như tinh bột sắn.

Ngành gỗ cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Năm 2019, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào Anh, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của ngành hàng này. Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm tới.

Thị phần mặt hàng hoa quả hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sau khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế của ngành này được xóa bỏ. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Anh quốc ưu thích các sản phẩm nhiệt đới, đông lạnh hoặc qua chế biến, quy trình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, ít tạo ra khí thải CO2, dùng ít nhựa để đóng gói.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị Internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ hiệp định UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Để khai thác hiệu quả UKVFTA và chinh phục 1 thị trường tiêu chuẩn cao như Anh, doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu thị trường, đổi mới phát triển sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu của người  tiêu dùng Anh, tiếp tục nâng cao trình độ thương mại chuyên nghiệp để xác lập lòng tin vững chắc của bạn hàng.

Các doanh nghiệp Anh sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ về thị trường để tận dụng UKVFTA khi và chỉ khi các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng về trình độ chuyên môn và niềm tin của họ. Gần 100.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học tại Anh là một nguồn tài nguyên quý giá mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua nếu muốn phát triển quan hệ hợp tác với người Anh.

Tư Hoàng

Ổn định vĩ mô - mảnh đất để chăm bón lòng tin thị trường

Ổn định vĩ mô - mảnh đất để chăm bón lòng tin thị trường

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp là một nỗ lực điều hành kiên trì, bền bỉ suốt nhiều năm qua để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp bỏ tiền ra làm ăn.