Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 14/3 đã công bố Sách Trắng lần thứ 11, trong đó khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, áp dụng chuẩn mực phù hợp nhất từ các quốc gia/vùng lãnh thổ trong việc thực hiện chủ trương cấm xe máy tại các thành phố lớn.

Có cấm được xe máy?

Theo EuroCham, xe máy là phương tiện giao thông không thể thiếu đối với đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người Việt Nam. Nó đã trở thành phương tiện giao thông thuận tiện, tiết kiệm và linh hoạt, đặc biệt tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, nơi đường phố chật hẹp, hệ thống giao thông thay thế còn chưa phát triển.

Hiện tại và tương lai gần, hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông. Vì vậy, việc cấm xe máy, có thể tạo ra khó khăn và bất lợi lớn cho người dân thành phố.

{keywords}
'Thảm họa' tắc đường và ô nhiễm tại Hà Nội nên nhà quản lý dự tính sẽ cấm xe máy trên một số tuyến phố

Cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn tại các thành phố lớn. Nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe, ý thức chấp hành luật giao thông kém. Quy định cấm cũng gây thách thức cho ngành sản xuất xe máy đã đầu tư dài hạn ở Việt Nam, có đóng góp lớn cho ngân sách và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Theo EuroCham, thủ đô Jakarta (Indonesia) là một ví dụ tương đồng Hà Nội và TP.HCM. Chính phủ Indonesia từng quy định cấm xe máy nhưng gặp phải sự phản đối của người dân do hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng không thể đáp ứng. Cuối cùng, quy định cấm xe máy đã phải bãi bỏ.

Bên cạnh đó, ý kiến từ các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, Hà Nội muốn làm theo Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) trong việc cấm xe máy, nhưng có nhiều điểm không tương đồng. Bắc Kinh và Thượng Hải có mùa đông rất lạnh và kéo dài, thời gian này xe máy ít được sử dụng. Người dân khi đó sử dụng ô tô và các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt,...

Hơn nữa, hạ tầng giao thông tại Bắc Kinh và Thượng Hải cũng tốt hơn Hà Nội nhiều. Đường phố rất rộng, thoáng với nhiều làn, nhiều tầng dành cho ô tô lưu thông. Tàu điện ngầm hoạt động thuận tiện, giá vé rẻ. Tại Bắc Kinh và Thượng Hải đến khi cấm xe máy thì giao thông công cộng đã “gánh vác” tới hơn 50% nhu cầu đi lại hàng ngày. Số lượng người dân sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại đều dưới 30%, vì vậy việc cấm xe máy dễ thực hiện hơn Hà Nội hay TP.HCM.

Cấm hay cùng chung sống?

EuroCham khuyến cáo Việt Nam nên nghiên cứu tham khảo và áp dụng thông lệ tốt nhất từ những nơi đang cho phép lưu thông xe máy như Đài Loan.

Đài Loan có trên 15 triệu xe máy hoạt động, với tỷ lệ 67 xe/100 dân, cao hơn so với Việt Nam hiện nay là 50 xe/100 dân. Dù mật độ xe máy lớn nhưng giao thông ở Đài Loan lại ít lộn xộn và tắc đường. Đài Bắc là đô thị phát triển của Đài Loan với thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 nghìn USD/năm. Tuy nhiên, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến.

{keywords}
Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân các thành phố lớn hiện nay và tương lai gần

Hơn 10 năm trước, tắc đường thường xuyên xảy ra, nhưng kể từ năm 2000 mọi chuyện đã thay đổi, đó là nhờ cách quản lý mới. Đài Loan đã quy hoạch được hệ thống giao thông hoàn chỉnh và phù hợp. Cho nên, dù lưu lượng giao thông rất lớn, bao gồm nhiều phương tiện tham gia, nhưng nhìn chung giao thông ở đây rất tốt, không tắc nghẽn như ở Việt Nam.

Vấn đề là Việt Nam cần có các giải pháp quản lý xe máy chặt hơn. Không phải là cấm, mà là chia sẻ hợp lý không gian, làn đường, nguồn lực cho tất cả các phương tiện giao thông, trong đó có xe máy để các phương tiện dung hòa nhau, hỗ trợ nhau trong việc phục vụ di chuyển, tránh gây bất tiện cho mọi người.

Bản thân người dân sẽ quyết định chọn phương tiện nào phù hợp, an toàn với họ. Bởi thực tế ở Việt Nam, có nhiều đường, ngõ sâu, nhỏ, ngóc ngách. Để sử dụng được phương tiện công cộng, người dân phải di chuyển khá xa, thậm chí từ 1-2km. Vì vậy, nếu cấm xe máy, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đủ đáp ứng thì sẽ tạo ra lỗ hổng lớn cho việc giải quyết nhu cầu đi lại.

Ngoài ra, xe máy cần phải kiểm soát khí thải nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường. Nên tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ, nơi Chính phủ cấm sử dụng xe máy đã quá 20 năm. 

Các cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm, áp dụng các hình thức phạt bằng tiền cao với những hành vi vi phạm giao thông, xem xét áp dụng cơ chế thu phí hàng năm đối với việc sở hữu phương tiện, thay vì chỉ thu một lần khi đăng ký xe như hiện nay,.. Những khoản thu này để cho các thành phố tái đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.

Trần Thủy