“Chúng ta thường nói Đại hội Đảng VI là mốc son của công cuộc đổi mới đất nước. Điều đó đúng, nhưng không có nghĩa là đến Đại hội VI mới có đổi mới, ý tưởng này đã manh nha từ Đại hội IV, tới Đại hội V nó rõ dần, và tới trước thềm Đại hội VI thì tình thế, điều kiện về mọi mặt chín muồi cho Đảng và Nhà nước ta quyết định công bố đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước”, Đại tướng Lê Đức Anh nhớ lại.

 

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với anh Lê Duẩn là tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng đầu năm 1947 ở Đồng Tháp Mười.

Lúc đó ở Nam Bộ tổ chức cộng sản có hai phái  “Tiền Phong” và “Giải Phóng” cùng lãnh đạo quần chúng làm cách mạng  nhưng hai phái không đoàn kết mà lại tranh giành ảnh hưởng với nhau. Anh Lê Duẩn chủ trì hội nghị, một hội nghị vô cùng quan trọng vì không những nó hợp nhất, củng cố, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà nó còn định hướng cho tổ chức Đảng các cấp trong toàn Xứ ủy để lãnh đạo kháng chiến chống Pháp trước tình hình cấp bách đang diễn ra.

Từ hội nghị này, anh em Nam Bộ đặt cho anh cái biệt danh “Ông Hai trăm Bu-gi”, ý nói đôi mắt và tư duy mẫn tuệ  sáng như ngọn đèn hai trăm Bu-gi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi có nhiều lần từ chiến trường được ra Bắc báo cáo tình hình với anh. Sau giải phóng 1975, tôi có điều kiện gặp anh nhiều hơn. Không phải ở anh cái gì tôi cũng tán thành 100%, nhưng có hai điểm thì tôi luôn luôn nhất trí:

Một là, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày đêm anh đau đáu suy nghĩ việc đó. Năm xưa anh hào hứng mang bản “Đề cương cách mạng miền Nam” ra Bắc. Đó là cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết 15, tạo nên bước nhảy vọt cho cách mạng miền Nam. 

{keywords}

Đồng chí Lê Duẩn báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam (1957). Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân.

Năm 1972, quốc tế diễn ra nhiều sự kiện gây khó khăn lớn đối với cách mạng Việt Nam. Một lần nữa, anh Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị - Bộ chỉ huy tối cao của cách mạng Việt Nam, tỉnh táo, sáng suốt tìm ra sách lược mới. Rồi tiến tới quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, tiến tới giải phóng trước tháng 5/1975 khi thời cơ đã tới. Đây là một quyết định sáng suốt. Tôi cho rằng, quyết định này xuất phát từ trí tuệ chứ không chỉ từ tấm lòng.

Hai là, anh luôn là một con người đôn hậu. Sự đôn hậu không chỉ thể hiện khi anh đưa ra những chủ trương, chính sách để cải thiện, mang lại cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn, mà còn cả trong tiếp xúc, ứng xử đối với anh em, đồng chí, với bạn bè quốc tế, kể cả khi đối với sự việc và con người không đáng được nhận sự nhân ái và lòng bao dung đó.

Hội nghị 81 Đảng cộng sản và những vết rạn

Cuối những năm 50, đầu những năm 60 (của thế kỷ 20), tình hình quốc tế có hai diễn biến gây bất lợi và cản trở rất lớn đối với cách mạng Việt Nam: Một là, với tư duy “Một ngọn lửa nhỏ cũng dễ làm bùng cháy cả cánh đồng, một xung đột vũ trang nhỏ cũng dễ thành ngòi nổ chiến tranh hạt nhân”, xu hướng “thi đua hòa bình, thủ tiêu đấu tranh vũ trang, cầu an, quá đề cao nguy cơ chiến tranh hạt nhân” đang thắng thế trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới, mà dấu mốc là Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân, mùa Thu năm 1960 tại Mat-xcơ-va do Khơ-rút-xốp, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên-xô chủ trì.

Hai là, sự mâu thuẫn và rạn nứt quan hệ giữa Liên-xô và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện tại cuộc gặp mặt các Đảng cộng sản và công nhân ở Bucarest (Rumani), tới Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân ở Mat-xcơ-va thì công khai bộc lộ ra. Khơ-rút-xốp thì chỉ trích ban lãnh đạo Trung Quốc là chủ nghĩa giáo điều; còn Trung Quốc thì kết tội ban lãnh đạo Liên-xô là chủ nghĩa xét lại hiện đại.

Sau Hội nghị 81 Đảng, giữa hai bên ngày càng căng thẳng: Các quan hệ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật bị đình chỉ, quan hệ ngoại giao hạ xuống mức thấp nhất; dọc biên giới hai nước, các cuộc khiêu khích vũ trang liên tiếp xảy ra, cuối cùng dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới.

Hai bên chửi nhau công khai trên trường quốc tế, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dụ dỗ, gây sức ép để lôi kéo các đảng khác ngả về phía mình… Tình hình quốc tế nêu trên đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các thành viên trong Ban lãnh đạo đảng ta.

Từ sau 1954, trong nội bộ ta có ba khuynh hướng: Một khuynh hướng kiên quyết đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, Bắc Nam sum họp. Đứng đầu và tiêu biểu cho khuynh hướng này là Bác Hồ, các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh. Một khuynh hướng là: Mỹ nó mạnh quá, không thể đánh được.

Một khuynh hướng khác: Nếu đánh nó thì nguy cho cả miền Bắc, hãy làm theo tinh thần của Hội nghị 81 Đảng –Thi đua hòa bình, tập trung xây dựng miền Bắc Việt Nam, xây dựng phe XHCN ngày càng mạnh lên, phe TBCN ngày càng yếu đi, đến lúc sắp lụi tàn nó sẽ đầu hàng…

Có thể nói, đây là một trong những thời kỳ phức tạp nhất về chính trị đối với việc hoạch định đường lối chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết 15 Trung ương ra đời trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp như vậy chứng tỏ kinh nghiệm dày dạn và trưởng thành vượt bậc của Đảng ta cả về lý luận và thực tiễn, cả về đường lối và phương pháp cách mạng. Nó thể hiện rõ đường lối độc lập, tự chủ và sách lược mềm dẻo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nội bộ lãnh đạo của ta lúc bấy giờ, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và quảng đại quần chúng nhân dân ở miền Nam.

Nghị quyết 15 thật sự là một nghị quyết về “chuyển chiến lược” từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng tàn bạo của kẻ địch. Nghị quyết 15 đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam, nó phù hợp với tình hình thực tế nên đã tạo bước tiến nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam.(1)

Chuyện chưa từng kể về Việt Nam và hai "người anh lớn"

Cách đây mười một năm, mùa Hè năm 2005, khi anh Phạm Văn Xô bệnh nặng, tôi tới thăm anh tại Bệnh viện Thống Nhất, được anh cho biết: Anh và anh Phan Văn Đáng được thay mặt Xứ ủy Nam Bộ ra dự Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng).

Tháng 8 /1957, hai anh ra tới Hà Nội, chờ đợi hết năm 1958, đến tháng 1/1959, mới được dự họp, nhưng không phải họp toàn Ban Chấp hành Trung ương ở hội trường, mà chỉ là thảo luận ở tổ để quán triệt tinh thần “Thi đua hòa bình”- Nội dung cốt lõi và bao trùm nhất tại văn bản do nhóm anh Võ Nguyên Giáp soạn thảo.

Tôi tin lời anh kể; vì trước đó, ngày 5 tháng 6-1956, Báo Nhân Dân đã đăng (gần hết cả số báo) bài “Thi đua Hòa bình” của anh Võ Nguyên Giáp; trong đó có câu: “Người ta hỏi rằng, có thể thống nhất đất nước  bằng phương pháp hòa bình được không? Câu trả lời là được! Và đó là con đường duy nhất đúng…” Sau hội nghị đợt 1 không thấy kết quả, các anh buồn nản xin trở về Nam.

Trước khi về, đồng chí Lê Duẩn bố trí cho hai anh lên chào Bác Hồ. Anh Duẩn nhủ: “Cứ nói hết tình hình miền Nam với Bác”. Và, Hồ Chủ tịch đã căn dặn các anh: “Miền Nam ở xa, Xứ ủy Nam Bộ phải chịu trách nhiệm với Trung ương. Cách mạng phải sáng tạo. Kiên quyết không để Mỹ-Diệm tiêu diệt cách mạng miền Nam.”

Các anh đã trao đổi hai ngày với anh Lê Duẩn trước khi trở về Nam. Anh Lê Duẩn bảo: “Bác nói thế rồi. Vậy các anh về báo cáo với Xứ ủy cứ thế mà làm!”. Sau đó, miền Nam bùng lên “Đồng khởi”, không khí cách mạng của cả miền Nam hừng hực như cánh đồng cỏ khô, chỉ chờ một mồi lửa là bùng cháy....

Đất nước ta còn đầy mình thương tích sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp lại phải lâm vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ số 1, trong khi nền kinh tế của ta vừa nghèo nàn vừa lạc hậu vào bậc nhất nhì thế giới.

Chúng ta ý thức được rằng, nếu không có sự chi viện và giúp đỡ của Liên-xô, Trung Quốc – Hai người Anh Cả của Việt Nam, rồi của các nước Xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới thì chúng ta không đủ sức đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Nhưng lúc đầu, Liên-xô không đồng ý cho ta phát động đấu tranh võ trang, yêu cầu ta quán triệt và thực hiện “Thi đua hòa bình”. Còn Trung Quốc thì bảo ta “Kiên trì mai phục”; tới lần thứ ba ta đề nghị thì mới đồng ý để ta tổ chức vũ trang ở quy mô cấp tiểu đội là phổ biến, cấp đại đội chỉ là cá biệt. Về vũ khí, Trung Quốc chỉ cho ta loại súng trường K44 bắn phát  một, nói là “để tự vệ, chống càn!”.

Cả hai người Anh lớn không đồng tình việc ta đấu tranh bằng bạo lực cách mạng, trong khi hai ông Anh lại đang mâu thuẫn gay gắt với nhau. Ta làm sao đây? Khó lắm thay!...

Được sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch, anh Lê Duẩn đã nhiều lần đi Mat-xcơ-va và Bắc Kinh. Anh đưa ra những thắng lợi đầu tiên, những chuyển biến tích cực của chiến trường Nam Bộ để thuyết phục. Và, bằng lối tư duy và ứng xử sắc sảo, tài ngoại giao khôn khéo của mình, dần dần anh đã thật sự thuyết phục được họ: Liên-xô đồng ý viện trợ cho ta toàn bộ vũ khí, khí tài và phương tiện để ta chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN.

Trung Quốc đồng ý viện trợ vũ khí, phương tiện, tiền bạc và vật chất để ta chiến đấu với đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam. 

“Chớp thời cơ càng nhanh càng tốt”

Trước kia tôi ở cương vị thấp nên không có điều kiện tiếp xúc nhiều với anh Lê Duẩn.

Đến tháng 11/1973, sau khi được cùng anh Võ Văn Kiệt và Khu ủy Khu 9 lãnh đạo, chỉ huy lực lượng cách mạng của Quân khu đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, làm phá sản chiến lược bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn, tôi được anh Lê Duẩn gọi ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường. Anh nói rằng: “Mỹ tăng cố vấn và tăng viện trợ để thực hiện ý đồ “Quốc gia dân tộc”; nhưng bọn ngụy quyền vẫn tham nhũng và mâu thuẫn nhau nên chưa thực hiện được.

Cả bộ máy quân sự khá đồ sộ, từ quân chủ lực tới quân địa phương, bảo an dân vệ, đến phòng vệ dân sự… đông, đồ sộ nhưng không mạnh”. Anh nói một cách rành rẽ và kiên quyết: “Quyết không để cho quân ngụy nó lại hồn, không để cho nó trấn tĩnh lại, phải chớp thời cơ càng nhanh càng tốt.

Nếu một khi nó đã hết hoang mang, ổn định tinh thần rồi thì mình sẽ khó vô cùng. Nếu kế hoạch cơ bản về “Việt Nam hóa” của nó mà làm được 70% thì ta sẽ khó khăn. Lúc đó nếu còn chiến tranh thì sẽ trở thành nội chiến; mà đã như thế thì nó sẽ diễn ra như thế nào, không ai lường trước được”. 

{keywords}
Tổng Bí thư Lê Duẩn (đứng thứ 6 từ phải sang) và đồng chí Lê Đức Anh (đứng ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước (Đà Lạt 1975). Ảnh tư liệu/ CAND

Nghiên cứu tình hình thì thấy rất rõ là  từ giữa năm 1973 đến đầu 1974, địch bắt đầu thí điểm thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa” ở một số vùng ven đô. Bởi vậy, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: Nhằm lúc Mỹ rút nhưng chưa rút xong và không thể quay lại, ngụy ở lại thì chưa ổn định, đây là thời cơ tốt nhất để ta tổng tiến công và nổi dậy đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời cơ là vô cùng quan trọng. Thời cơ là sức mạnh. Đây là một tư duy sáng suốt.

Ngay sau đó, đầu năm 1974, anh Lê Duẩn đã trực tiếp chỉ đạo Bộ tổng Tham mưu chuẩn bị kế hoạch quân sự tiến công giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976; đồng thời chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam khẩn trương tổ chức phong trào quần chúng và các lực lượng tại chỗ (lực lượng chính trị và lực vũ trang địa phương, lực lượng quân báo, biệt động, lực lượng tình báo…) trong lòng các đô thị mà quân địch đang chiếm đóng.

Khi đó, anh đã chỉ rõ: “Do tính chất của cuộc chiến tranh, đô thị là nơi quyết định. Nó thua ở đâu, chứ nếu không dứt điểm được Sài Gòn thì chiến tranh sẽ còn tiếp tục. Cho nên nhất định Sài Gòn phải chuyển mạnh, nếu không thì mất thời cơ… Chuẩn bị và tổ chức tốt lực lượng tại chỗ thì đường phố sẽ không còn là phòng tuyến của địch, mà trở thành những chiến lũy gang thép, thiên la địa võng của ta để bao vây và tiêu diệt quân thù.

Mà chẳng phải chỉ có Sài Gòn mới làm được như thế đâu. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… nơi nào cũng làm được như thế cả…”

Thế rồi sự thật lịch sử cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã diễn ra đúng như ý kiến tiên liệu của anh.

Chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam

Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Hồ Chủ tịch, anh là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió thác ghềnh cập bến vinh quang. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, anh Lê Duẩn đã có công rất lớn.

Phẩm chất và di sản của anh để lại, chúng ta còn phải nghiên cứu học hỏi để dần dần hiểu được hết anh.

Chúng ta hãy hình dung lại, sau ngày miền Nam giải phóng, nền kinh tế của ta nghèo nàn và lạc hậu như thế nào. Sau 1975, tỷ lệ thương tật, chưa kể số nhiễm chất độc hóa học là trên 10%, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới. 

{keywords}
Từ trái qua phải: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Trường Chinh, Tổng bí thư Lê Duẩn. Ảnh tư liệu.

Khói súng chiến tranh chưa tan hết, hậu quả nặng nề của hơn 30 năm chiến tranh chưa khắc phục được bao nhiêu. Chúng ta bị Mỹ và các nước thân Mỹ bao vây cấm vận, trong khi đó Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đang mắc sai lầm nghiêm trọng để rồi dẫn đến sụp đổ. Theo đó, khối SEV, nguồn viện trợ duy nhất của ta đã cạn dần rồi mất hẳn. Nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, lạm phát tới 774%. Trong khi Liên-xô rơi vào khủng hoảng toàn diện, lạm phát còn nặng hơn ta nhiều.

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế, tôi cho rằng, Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chèo chống như vậy, giữ cho không bị sụp đổ, tuy có gian nan vất vả nhưng vẫn trụ vững, dần ổn định và tìm cách đi lên là một kỳ tích đáng tự hào.

Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), Báo cáo chính trị do anh trình bày đã nghiêm khắc phê bình hai loại nhận thức: Một là “chủ quan nóng vội”, đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô và quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất… đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn ở một số địa phương. Hai là “bảo thủ, trì trệ”, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi các chính sách, chế độ, nên đã kìm hãm sản xuất.

Đại hội đã quyết định “Đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hóa hiện hành. Xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp; khắc phục bằng được tình trạng trì trệ, bảo thủ… Vừa nắm vững giá trị sử dụng, vừa coi trọng giá trị và quy luật giá trị”. Như vậy, ngay từ Đại hội V, Ban Chấp hành Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Đảng ta đã nghiêm khắc chỉ ra mặt tiêu cực của cơ chế quan liêu bao cấp và từng bước xóa bỏ cơ chế này. Hay nói một cách khác là “tư duy về đổi mới kinh tế, đổi mới đất nước” đã xuất hiện từ trước thềm Đại hội V.

Trao đổi với mọi người, anh Lê Duẩn vẫn thường nói một mệnh đề mà anh hằng tâm đắc: “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo; nên nhiều khi đường lối cách mạng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm và sáng tạo mới đạt tới chân lý”.

Lịch sử về đổi mới nông nghiệp đã minh chứng: Bắt đầu từ tư duy “Khoán hộ” của anh Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; 15 năm sau thì xuất hiện “Khoán chui”, “Khoán sản” của Bí thư Hải Phòng Đoàn Duy Thành đã làm cơ sở cho “Chỉ thị 100” của Ban Bí thư tháng 1-1981 và Nghị quyết “Khoán 10” (tháng 4/1988) của Bộ Chính trị khóa VI. Lúc này, sức sản xuất thực sự được giải phóng, sản xuất bung ra, lương thực bung ra.

Nếu như trước đó, khi anh Duẩn đề ra chỉ tiêu 21 triệu tấn, nhiều người hoài nghi, thì đến đây chúng ta không những đã giải quyết được cơ bản về lương thực, bảo đảm an ninh lương thực, mà còn có gạo xuất khẩu – một sự kiện “như mơ giữa ban ngày”.

Bởi vậy, tôi cho rằng, chúng ta thường nói Đại hội Đảng VI là mốc son của công cuộc đổi mới đất nước. Điều đó đúng. Nhưng không có nghĩa là đến Đại hội VI thì mới có đổi mới, mà ý tưởng này đã manh nha từ Đại hội IV, tới Đại hội V nó rõ dần ra, và tới trước thềm Đại hội VI thì tình thế, điều kiện về mọi mặt (nhận thức, tư tưởng, kinh tế-xã hội…) đã chín muồi cho Đảng và Nhà nước ta quyết định công bố đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước.

“Nhân dân sẽ nói Bộ Chính trị đã phản bội, đưa Bác đi đâu rồi!”

Trước khi Bác Hồ qua đời, Bộ Chính trị đã có quyết định nhờ Liên Xô giữ thi thể của Bác cho con cháu hôm nay và mai sau được mãi mãi trông thấy Bác. Liên Xô đồng ý nhưng yêu cầu đưa thi hài của Bác sang Mat-xcơ-va… Hơn 1 giờ sáng, sau cuộc họp Bộ Chính trị, anh Lê Duẩn đến nhà khách của Chính phủ, nơi nghỉ của đồng chí Côxưgin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang dự Lễ tang của Bác.

{keywords}
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc Điếu văn tại Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/9/1969). Ảnh tư liệu/Hochiminh.vn

Anh Duẩn nói: “Các đồng chí biết Bác Hồ của chúng tôi đối với dân tộc Việt Nam là thiêng liêng như thế nào. Nhất là đối với đồng bào miền Nam, họ hy sinh chiến đấu để được độc lập, thống nhất và cũng là để được gặp Bác cho toại nguyện. Bác cũng rất muốn vào Nam gặp đồng bào Miền Nam, nhưng sức khỏe của Bác không cho phép. Vì vậy chúng tôi phải giữ thi thể của Bác để đồng bào Miền Nam chúng tôi được thấy dung nhan của Bác sau ngày chiến thắng.

Chúng tôi biết, ngoài Liên Xô ra, không nước nào có kỹ thuật gìn giữ thi thể. Nếu Liên Xô nói phải đưa thi thể Bác sang Liên Xô mới giữ được thì chúng tôi đành phải chôn Bác, bởi vì nếu chúng tôi đưa Bác sang thì nhân dân chúng tôi sẽ nói Bộ Chính trị đã phản bội, đưa Bác đi đâu rồi!- Và khi quyết định chôn Bác, chúng tôi sẽ nói với đồng bào chúng tôi: Chỉ có Liên Xô mới có kỹ thuật giữ thi thể của Bác, nhưng vì Liên Xô không chịu làm, nên Bộ Chính trị đau lòng gạt nước mắt để chôn Bác”.

Nghe anh Duẩn nói xong, Côxưgin liền nói: “Thôi thôi, tôi sẽ gọi chuyên gia của chúng tôi đến ngay và ra lệnh cho họ phải giữ thi hài Bác Hồ ngay tại Việt Nam. Nếu thiếu phương tiện gì, tôi sẽ điện về Mat-xcơ-va đưa sang ngay bằng chuyên cơ”.

Sau đó, thi hài của Bác đã được chuyên gia Liên Xô giữ lại ngay tại Việt Nam; và vì thế ngày nay nhân dân ta mới có cơ hội hàng ngày vào Lăng viếng Bác.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã rất tin tưởng, sáng suốt khi giao cho anh trọng trách: Trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp; Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong suốt chiến tranh chống Mỹ và Tổng Bí thư của Đảng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao, anh đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả đó; anh đã thật sự xứng đáng với sự ủy thác to lớn đó. Tự giác tôi luyện mình trong đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 30 năm ngày anh từ biệt chúng ta đi về cõi vĩnh hằng, chúng ta nhớ về anh, một người anh đôn hậu, đáng kính trọng và vô cùng biết ơn!.

Tháng 7 năm 2016

Đại tướng Lê Đức Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Đại tá Khuất Biên Hòa (chắp bút)

--

1-    Hội nghị Trung ương (Khóa II) lần thứ 15 phải họp thành 2 đợt trong 7 tháng. Đợt 1 từ ngày 12 đến 22-1-1959; Đợt 2 từ ngày 10 đến 15-7-1959. Văn bản Cục Lưu trữ Ban Chấp hành Trung ương số 83-TB/TW ngày 24-7-1997: “Thông báo về các kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII”: “Nghị quyết 15 của Trung ương Khóa II là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị Khóa II, xuất phát từ những định hướng chiến lược đầu tiên của Hồ Chủ tịch từ tháng 7 năm 1954 khi hòa bình vừa mới lập lại trên một nửa đất nước, có sự chỉ đạo công phu của đồng chí Lê Duẩn, Quyền Tổng Bí thư lúc bấy giờ, cùng một số đồng chí trong Bộ Chính trị và trong Trung ương. Nghị quyết phản ánh đúng nguyện vọng của đồng bào, đồng chí ở miền Nam nước ta lúc đó”.