Mang trong mình nhóm máu hiếm nên mỗi lần có ca bệnh cấp cứu khẩn cấp cần tiếp máu, dù là lúc nửa đêm hay tờ mờ sáng, xa hay gần, Đại úy Lê Hoàng Phong, Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh Kinh tế Công an TP Cần Thơ đều sẵn sàng lên đường, chia sẻ những giọt máu quý giá của mình, cứu tính mạng của nhiều người.

{keywords}
Đại úy Lê Hoàng Phong trong một lần cho máu cứu người

10 năm trước, Đại úy Phong được bác sĩ BV Huyết học truyền máu Cần Thơ thông báo máu của anh thuộc nhóm máu hiếm Rh-. Tại Việt Nam, cứ 10.000 người thì chỉ có 4-7 người mang nhóm máu này, chiếm tỉ lệ 0,04 - 0,07%.

Đại úy Phong sinh ra trong gia đình có mẹ và anh trai đều công tác trong ngành Công an. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Phong đậu vào Trường Trung cấp An ninh nhân dân 2.

Ra trường, Phong về nhận công tác tại Công an TP Cần Thơ.

Đại úy Phong tâm sự, anh từng được nghe kể thời điểm anh chào đời, mẹ anh từng chết đi sống lại vì xung khắc với máu của con trai. Hiểu được sự đặc biệt trong dòng máu của mình, anh Phong đăng ký tham gia Câu lạc bộ máu hiếm khu vực Tây Nam bộ.

{keywords}
Đại úy Lê Hoàng Phong: Cứu được người khác hạnh phúc lắm

Đại úy Phong tâm sự, không chỉ nhóm máu hiếm mà máu bình thường bao giờ trong “ngân hàng” máu cũng thường xuyên bị thiếu. Do đó, đủ ngày tháng là anh đến bệnh viện cho máu.

Ngoài việc hiến máu định kỳ, Đại úy Phong còn hiến cho những ca cấp cứu, giành lại sự sống cho những người chưa từng quen biết, cứu họ trước “lưỡi hái tử thần”.

Qua 12 năm công tác, Đại úy Phong đã 40 lần hiến máu. Anh kể, có lần đang làm việc trong đơn vị, bác sĩ bệnh viện gọi điện báo có 1 bệnh nhân đang nguy kịch, nếu không có đủ máu thì nguy cơ tử vong rất cao. 

Lập tức, Đại úy Phong báo cáo với cơ quan, xin đến bệnh viện cứu người và được chấp nhận ngay. “Thường trường hợp cấp cứu là những người đang trong quá trình mang thai hoặc lúc sinh con. Do nhóm máu người mẹ và con xung khắc nhau nên khi xảy ra sự cố cần lượng máu lớn để truyền vào. Ngoài ra, còn có những trường hợp bị tai nạn giao thông”, Đại úy Phong cho biết.

{keywords}
 

Những ca hiến máu nửa đêm

Anh Phong kể, cách đây 2 năm, anh đang trực thì nhận được điện thoại của nữ nhân viên bệnh viện với giọng rất khẩn thiết: “Anh ơi, có một thai phụ mang dòng máu hiếm đang cấp cứu và cần truyền máu. Anh có thể đến bệnh viện cho máu ngay được không?”.

“Lúc đó, gần 2h sáng, không cần suy nghĩ, tôi trả lời ngay với chị ấy 'tôi sẽ chạy xe đến ngay'. May mắn là sau khi được truyền máu, chị ấy được cứu sống", anh Phong nói. 

Lần khác, anh đi công tác ở huyện từ 5h sáng, đến chiều định chạy về nhà nghỉ ngơi thì nhận được điện thoại của bệnh viện gọi đến hiến máu, thế là anh lại lao xe đi.

Đại úy Phong cho biết, với người có nhóm máu hiếm, xác suất tìm máu truyền cùng nhóm rất khó. Vì thế, dù ở hoàn cảnh nào, khi nhận được điện thoại, nghĩ đến bệnh nhân đang nguy kịch vì thiếu máu là anh lại chạy xe đến ngay.

“Cứu được người khác hạnh phúc lắm”, Đại úy Phong bộc bạch.

Anh không những mong muốn giúp người trong phút nguy nan mà muốn lan tỏa để nhiều người cùng chung tay vào việc làm hết sức ý nghĩa này.

Chị Hồng (ngụ TP Cần Thơ), người từng được Đại úy Phong hiến máu cứu sống xúc động nói: “Khi tôi đang ở ranh giới giữa sống và chết, được một người xa lạ hiến máu cứu sống, tôi rất cảm động và mang ơn”.

“Mình là người đứng đầu chi đoàn nên phải gương mẫu, tuyên truyền cho mọi người cùng tham gia những việc ý nghĩa. Tôi ở gần bệnh viện, được lãnh đạo tạo điều kiện nên nghe điện thoại của bác sĩ cần máu cứu người là có mặt ngay”, Đại úy Phong nói.

Ngoài hiến máu cứu người, Đại úy Phong còn rất năng nổ trong việc vận động các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện như cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của CLB, bệnh viện và đơn vị đang công tác. 

Cuộc điện thoại hẹn gặp nơi bến đò với nữ Phó giám đốc công an tỉnh

Cuộc điện thoại hẹn gặp nơi bến đò với nữ Phó giám đốc công an tỉnh

“Sợ cha biết được việc mình làm sai trái, đối tượng gọi cho tôi và hẹn đón ở một bến đò. Đó là cuộc điện thoại mà cả cuộc đời này tôi nhớ mãi” - Đại tá Trần Thị Bé Nhân chia sẻ.

Thiện Chí