Anh Nguyễn Đình Thắng (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) có 3 sào trồng chanh dây đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, anh Thắng không còn mặn mà với việc thu hái, mỗi tuần chỉ đi nhặt 1 lần chanh dây đã chín rụng.

{keywords}
Chanh dây chỉ còn 2.000 đồng/kg, anh Thắng không còn mặn mà thu hái. (Ảnh: PL)

Anh Thắng cho biết, từ lúc xuống giống vào tháng 11/2019 đến nay, vườn chanh dây của anh Thắng đã cho thu hoạch 3 đợt. Vụ thu hoạch đầu tiên, anh bán được 1 tấn quả giá 6.500 đồng/kg. 

Với 2 tấn quả thu hoạch đợt 2, giá giảm xuống chỉ còn 2.000 -2.500 đồng/kg, anh thu về gần 5 triệu đồng.

Dù đang bước vào đợt thu hoạch thứ 3 nhưng vườn chanh dây của anh chỉ có một nhân công thu hái. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Danviet.vn, anh Thắng cho biết: "Thời điểm này, giá chanh dây lao dốc xuống quá thấp khiến người trồng chanh dây lao đao. Bán với giá này, gia đình tôi không đủ thu hồi vốn".

Cùng chịu cảnh "được mùa mất giá", ông Đỗ Ngọc Nguyên (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) có hơn 5 sào chanh dây đang cho thu bói. Do được đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng nên vườn chanh dây nhà ông Nguyên toàn quả to đẹp, ông đã kịp bán được giá 5.000-7.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyên, một sào chanh dây, chi phí đầu tư giống, phân bón, nhân công chăm sóc trung bình hết khoảng 10 triệu đồng. Nếu bán ra ở mức giá dưới 5.000 đồng/kg thì coi như nông dân bị lỗ vì so với các loại cây trồng khác, chanh dây khó trồng hơn và đòi hỏi nhiều chi phí cho nhân công thu hoạch. 

Với 5 sào chanh dây đã đầu tư hết 50 triệu đồng, trước tình hình hiện tại, ông Nguyên vô cùng lo lắng.

Giá xuống thấp, nhưng đã "lỡ" trồng rồi, ông Nguyên chấp nhận duy trì việc chăm sóc cây trồng, bán với giá rẻ chứ không hề có ý định phát triển đàn thêm diện tích. 

"Hi vọng, sau dịch bệnh Covid-19 giá chanh dây sẽ cải thiện hơn" - ông Nguyên chia sẻ.

Theo ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M'gar, chanh dây là loại cây trồng mới, những năm trước cho thu nhập khá. Tại địa phương, chanh dây chủ yếu được nông dân trồng tự phát do thấy giá cả trên thị trường hấp dẫn. 

"Tuy nhiên, chanh dây là loại cây trồng "khó tính", rất dễ bị các bệnh như: phấn trắng, loang dầu, ghẻ… Nhất là bệnh phấn trắng, nếu không được phòng chữa ngay từ ban đầu thì rất khó để có được những lô hàng chanh dây đẹp, giá tốt. Thời điểm hiện tại, giá thấp hơn những năm trước đến cả chục lần, nên bà con đang chững lại việc phát triển diện tích, chờ tín hiệu tốt từ thị trường" - ông Phạm Quang Mười cho hay.

{keywords}
Nếu tiếp tục không được chăm bón, trái chanh dây sẽ bị bệnh hại, mẫu mã xấu, không thể xuất bán. (Ảnh: PL)

Thông tin thêm, đại điện Phòng NN&PTNT huyện Cư M'gar cho biết, những năm 2017, 2018, cây chanh dây được coi là loại cây "nóng", từng được người dân đổ xô trồng. Giữa năm 2018 là thời kỳ hoàng kim của chanh dây khi giá lên đến 36.000 đồng/kg.

Nhưng chỉ vài năm sau, giá chanh dây "lao dốc". Chẳng ai ngờ rằng một ngày giá chanh dây tụt xuống chỉ còn ở mức 2.000-3.000 đồng/kg, thu mua tại vựa.

Được biết, chanh dây lâm vào tình trạng rớt giá thê thảm từ khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát. Theo đó, nhu cầu sử dụng của người dân, các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê bị hạn chế. 

Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa cũng phần nào bị ảnh hưởng, chanh dây tiêu thụ không được thuận lợi.

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 phức tạp cũng khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn, giá các loại trái cây đồng loạt giảm mạnh, trong đó có chanh dây.

(Theo Dân Việt)