Đắk Lắk có dân số gần 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 35,7%. Ngoài các DTTS đã cư trú lâu đời, như: Ê Đê, M’nông, Gia Rai... còn có đông đồng bào DTTS ở các tỉnh khác di cư tới lập nghiệp và không ngừng gia tăng về số lượng qua các năm, như: Nùng, Tày, Mông, Dao.
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2019 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và sự đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới được nâng lên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác dân tộc có nhiều chuyển biến; nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
Các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư thực hiện đồng bộ, có trọng điểm; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều tiến bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất.
Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng DTTS được nâng lên; truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau được gìn giữ, phát huy; thực hiện tốt hương ước, quy ước ở các khu dân cư; xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được xây dựng, củng cố; dân chủ được phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường...
Tập trung thực hiện các Chương trình MTQG
Việc thực hiện các chương trình, chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Lắk dự kiến được phân bổ 5.590 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện 03 Chương trình MTQG; tỉnh đã cân đối bố trí 1.420 tỷ đồng.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến nay đã có 63/151 xã có nhà văn hóa, thể thao theo quy định; có 1.858/2.080 thôn, buôn có hội trường hoặc nhà văn hóa cộng đồng.
Giai đoạn 2021 - 2024, chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được tích hợp vào Dự án 1 Chương trình MTQG 1719, trong đó ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 130,3 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở 83 hộ, nhà ở 1.983 hộ, đất sản xuất 342 hộ. Đến nay đã giải ngân hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 523 hộ và hỗ trợ đất ở cho 4 hộ.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện 16 dự án ổn định, sắp xếp dân cư cho đồng bào DTTS tại 08 huyện với kinh phí hơn 705 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 2.200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 7.300 hộ với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Hỗ trợ nhà ở cho 1.788 hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây mới 1.090 hộ, sửa chữa 698 hộ).
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 667 tỷ đồng; trong đó, dư nợ các chương trình cho vay đối với DTTS hơn 2.630 tỷ đồng với hơn 75 ngàn hộ còn dư nợ.
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, giai đoạn tiếp theo tỉnh tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ và bố trí đầy đủ các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng DTTS.
Phấn đấu đạt được các mục tiêu chủ yếu gồm: Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 3 - 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 – 2025.
Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 68% lao động đến tuổi có việc làm; Trên 95% cán bộ, công chức xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn chức danh theo quy định.
Tích cực nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài trong đồng bào các DTTS, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS ở tất cả các cấp. Tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở...