Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu, Đắk Nông phấn đấu trở thành địa phương có nền kinh tế năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là lĩnh vực được tỉnh xác định động lực cho tăng trưởng, phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia, là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.

Để cụ hóa nội dung này, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/8/2021 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, có định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Giai đoạn đầu bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành Công nghiệp Đắk Nông đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh từng bước có những bứt phá mạnh mẽ.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, sản xuất công nghiệp của Đắk Nông đã có mức tăng trưởng khá, từng bước khẳng định vị trí một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng bình quân của ngành Công nghiệp trong GRDP của Đắk Nông là 10,93%.  

Trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia

Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam vùng Tây Nguyên với tiềm năng thế mạnh của tỉnh là nông, lâm nghiệp; năng lượng, khoáng sản (đặc biệt là khoáng sản bôxít). 

minhhoa.png

Bên cạnh tiềm năng đã khai thác như: nông, lâm nghiệp; năng lượng thì tiềm năng về khai thác bôxít là một lợi thế rất lớn để góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp.

Với trữ lượng bô xít chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước và theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 thì bôxít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ, được phân bố ở các huyện Đắk G’long, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1,436 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,425 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%.

Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành thăm dò tại 09 khu vực mỏ và đã được Hội đồng trữ lượng khoáng sản Quốc gia thẩm định, phê duyệt với tổng diện tích đã thăm dò là 1.605 km2, trữ lượng là 1,272 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,034 tỷ tấn quặng nguyên khai. Với tiềm năng, thế mạnh lớn về bôxít nên Đắk Nông đủ điều kiện để hình thành ngành công nghiệp khai thác bôxít, sản xuất alumin, nhôm, các sản phẩm sau nhôm.

Hiện nay Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất 650.000 tấn/năm. Trên thực tế, với lượng quặng khai thác, năm 2021, Nhà máy đã sản xuất được gần 730.000 tấn alumin và năm 2022 với 715.000 tấn, vượt 15% so công suất thiết kế.

Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm trực tiếp cho 1.100 lao động tại địa phương và kéo theo các loại hình dịch vụ trong vùng dự án cùng phát triển.

Dự án Nhà máy điện phân nhôm với công suất 450.000 tấn sản phẩm nhôm/năm, với tổng mức đầu tư khoảng 15.480 tỷ đồng; qua quá trình khởi công và đầu tư xây dựng, đến nay về cơ bản đã thi công xong phần xây dựng và đang chuẩn bị để lắp đặt máy móc thiết bị.

Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên

Nằm ở Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo. Theo số liệu nghiên cứu của Viện năng lượng, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời của mặt đất của Đắk Nông là trên 59.000MW. Tiềm năng điện gió khoảng 8.300 MW.

diengio.png

Từ tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 58-CT/TU ngày 18/6/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng Kế hoạch số 484/KH-UBND ngày 11/9/2020 để triển khai thực hiện, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII nhiệm kỳ 2021-2025 và các định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới, trong đó đề ra các giải pháp phát triển dự án năng lượng tái tạo là một trong 3 trụ cột chính.

Với ý nghĩa, tầm quan trọn của các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị; đặc biệt là được sự đồng lòng, ủng hộ của phần lớn người dân, do đó đã và sẽ tạo sự đột phá về phát triển kiển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng để tạo động lực, nền tảng cơ sở kéo theo các ngành khác phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định cuộc sống người dân. 

Cuối tháng 10/2021, tại Đắk Nông có 2 dự án điện gió đã thi công hoàn thành. Đó là Dự án nhà máy điện gió (NMĐG) Đắk Hòa (công suất 50MW) và Dự án NMĐG Nam Bình 1 (công suất 30MW).

Đây là 2 trong số 06 dự án với tổng công suất 430 MW, đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung quy hoạch. Hiện nay có 01 dự án đã đi vào vận hành thương mại; 01 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng xong, chưa vận hành; các dự án còn lại đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, đăng ký danh mục các dự án điện gió với tổng công suất 3.640 MW vào Quy hoạch điện VIII).

Về điện mặt trời, có 2 dự án (điện mặt trời Trúc Sơn và điện mặt trời Cư Jút) với công suất 106,4 MWp đã đi vào vận hành. Toàn tỉnh Đắk Nông có 1.631 hệ thống điện mặt trời áp mái (với tổng công suất 375,2 MWp). Sản lượng điện mặt trời hàng năm của Đắk Nông đạt 660,7 triệu kWh. Con số này chiếm 28,42% các nguồn cung cấp điện của Đắk Nông.

Ngoài ra có 1.632 hệ thống điện mái nhà với tổng công suất khoảng 377 MWp trên địa bàn các huyện, thành phố; 01 dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2025 đã UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương; 04 dự án điện mặt trời với tổng công suất 795 MWp, được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch, các nhà đầu tư đang đề xuất chủ trương đầu tư để triển khai đầu tư theo quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, đăng ký danh mục các dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.035 MWp vào Quy hoạch điện VIII.

Về thủy điện, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất 356,61 MW; 07 dự án đang triển khai đầu tư với tổng công suất 43,3 MW; 03 dự án chưa có chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó có 10 dự án đang vận hành nằm giáp ranh giữa các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lăk, Lâm Đồng và Bình Phước với tổng công suất 1.311 MW.

Theo đánh giá chung, các dự án năng lượng gió, năng lượng ở Đắk Nông đi vào vận hành đã góp phần đáng kể trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đóng góp ngân sách cho địa phương để phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên việc phát triển năng lượng tái tạo ở Đắk Nông cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. 

Đơn cử, việc chậm ban hành các cơ chế về giá điện đối với các dự án điện gió và điện mặt trời đã gây nhiều khó khăn trong việc đầu tư, vận hành các dự án. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư.

Hay như, trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, tại Đắk Nông có một số dự án điện mặt trời nhưng chưa có cơ chế về đấu giá, đấu thầu. Do đó, tỉnh chưa có cơ sở chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.

Một vấn đề khó khăn, thách thức lớn khác của Đắk Nông hiện tại là công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án điện gió. Hiện nay, quy định về hành lang an toàn cột tháp gió đối với công trình điện gió chưa được quy định rõ ràng.

Trong khi đó, các địa phương thì gặp khó trong việc áp dụng, thực thi quy định của pháp luật đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Để hiện thức hoá khát vọng vươn lên, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia, là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên, tình cần sự tiếp sức của các ngành, các cấp cùng tháo gỡ những vướng mắc trên.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV