Tổ chức hội thi tuyên truyền giỏi

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo bền vững vào ngày 22/12/2023.

Hội thi nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân về công tác giảm nghèo, lan tỏa tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tổng cộng có 8 đội tham gia, đại diện cho 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các đội trải qua 4 phần thi gồm: chào hỏi, thi kiến thức, thi tuyên truyền viên và phần thi tiểu phẩm.

Nội dung thi liên quan đến các chính sách, văn bản pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; những tình huống thường gặp trong quá trình truyền thông, đối thoại chính sách cho người nghèo, thực hiện các chính sách liên quan cho hộ nghèo, người nghèo tại cộng đồng.

Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, những người làm công tác giảm nghèo nắm vững các văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho huyện Cư Jút, giải Nhì cho TP. Gia Nghĩa và 2 giải Ba cho 2 huyện Đắk Mil, Tuy Đức. 

Có thể thấy đây là một trong những cách làm hay, sáng tạo của tỉnh Đắk Nông trên chặng đường thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Nhiều biện pháp hay để giảm nghèo về thông tin

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) còn chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín như già làng, trưởng bản... Từ ngày nghỉ hưu, ông K’Lớ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk P’lao, được người dân bon B’Tong tín nhiệm bầu làm người uy tín. Ông K’Lớ đã vận động người dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết, tương thân, tương ái.

giảm nghèo.jpg
Công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức tự lực, tự cường. 

Ông K’Brê, xã Đắk Som, cũng là một trong số những người uy tín của bon B'Srê A. Là cộng tác viên dân số của bon, ông K’Brê trở thành một tuyên truyền viên tích cực đưa các chính sách dân số và bình đẳng giới đến với người dân. Ông còn vận động người dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, tập trung làm ăn để bon làng phát triển. 

Đắk Nông thông tin toàn huyện Ðắk Glong hiện có 52 người uy tín là già làng, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu. Họ luôn gương mẫu, tích cực vận động người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để có cơ hội từng bước thoát nghèo.

Thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng có nhiều việc làm thiết thực góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân, đặc biệt là người nghèo trong việc phát triển sản xuất để họ gia tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

Theo ông Nguyễn Đức Tín, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong), tuy Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nhưng bản thân người dân phải tự nỗ lực vươn lên mới thành công. Qua tuyên truyền, vận động, người dân ngày càng ý thức tự chủ, tự lực, không còn trông chờ, ỷ lại như trước.

Nhờ đó, nhiều hộ dân đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, phát triển các mô hình hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà con biết khai thác những tiềm năng về khí hậu, đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năng suất các loại cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực như điều, cà phê, hồ tiêu, cao su... đều tăng mạnh so với trước đây.

Theo thông tin, Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên về tỷ lệ giảm nghèo 2023 (Đắk Lắk giảm 1,5%; Gia Lai giảm 1,01%; Kon Tum giảm 1,43%; Lâm Đồng giảm 0,74%). 

Hà Thu