Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đắk Nông ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm uốn ván, thậm chí tử vong do uốn ván sơ sinh. Đa số các trường hợp mắc uốn ván sơ sinh đều ở các huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số khó khăn, nơi cư trú của người dân tộc Mông, M’Nông.
Nguyên nhân do người dân có tập tục sinh đẻ tại nhà, người nhà tự đỡ đẻ và dùng các loại dao, kéo, thanh nứa… trong gia đình cắt rốn cho trẻ dẫn tới nhiễm uốn ván sơ sinh. Phụ nữ trong độ tuổi mang thai lại không được khám thai, không được quản lý thai nghén, tư vấn tiêm phòng vắc xin uốn ván.
Vì vậy, năm 2023, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin uốn ván bổ sung cho các phụ nữ mang thai trong toàn tỉnh, đặc biệt tại các huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk Mil, Tuy Đức, Cư Jút, Đắk Song…
Trong chiến dịch tiêm phòng vắc xin bổ sung này, đối tượng được tư vấn tiêm chủng là phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cán bộ y tế sẽ theo dõi tiền sử tiêm chủng. Nếu phụ nữ chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin có thành phần uốn ván thì sẽ tiêm 2 mũi vắc xin uốn ván cách nhau 1 tháng, nếu có tiền sử tiêm vắc xin có thành phần uốn ván sẽ tiêm bổ sung 1 mũi.
Theo đó, chương trình diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10/2023. Giai đoạn 2 tiếp tục tiêm bổ sung các đối tượng còn lại trong vùng có nguy cơ cao và kết thúc trước ngày 15/12/2023.
Để phụ nữ vùng dân tộc thiểu số hiểu hơn về nguy hiểm của nhiễm uốn ván sơ sinh, cũng như lợi ích của tiêm vắc xin, các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã được tiêm bổ sung sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp để người dân chủ động đi tiêm.
Cán bộ trạm y tế xã cần thông báo tới người dân về thời gian, địa điểm tổ chức tiêm chủng; cung ứng vắc xin uốn ván, vật tư tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng dưới hình thức tiêm chủng bổ sung tại các trạm y tế, các điểm tiêm chủng ngoài trạm; kiểm tra, giám sát và báo cáo.
Để thực hiện thành công chương trình tiêm bổ sung uốn ván năm 2023 cho phụ nữ vùng có nguy cơ cao, vùng dân tộc thiểu số, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết cần có vai trò của y tế thôn bản kết hợp với hội phụ nữ, bộ đội biên phòng, các trạm y tế lập danh sách phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để trung tâm y tế các huyện thực hiện cung ứng vắc xin ngừa uốn ván.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cũng tổ chức các buổi tập huấn về tiêm chủng, an toàn tiêm chủng cho nhân viên y tế tại các tuyến tỉnh, huyện, xã.
Nhân viên y tế được cập nhật các kiến thức về tiêm chủng an toàn: Yêu cầu về bảo quản vắc xin, sử dụng các thiết bị theo dõi nhiệt độ, tổ chức buổi tiêm chủng, yêu cầu báo cáo, điều tra phản ứng sau tiêm chủng; Tiến độ tiêm chủng tại địa phương, hướng dẫn tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm đủ mũi; Yêu cầu về ghi chép, báo cáo tình hình sử dụng vắc xin, vật tư, báo cáo kết quả tiêm chủng và thực hành; Yêu cầu giám sát hỗ trợ.