Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thông tin, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang mang lại hiệu quả tích cực, giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, từng bước góp phần sớm đưa tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Nguyên theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.

Đắk Nông đặc biệt chú ý đến việc vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. Lấy văn hóa làm nền tảng, là động lực cho sự phát triển, tỉnh Đắk Nông đang từng bước hướng đến xây dựng những vùng quê đáng sống, những bon làng vững vàng kinh tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu giảm nghèo chung là 2%/năm; giảm nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ 4%/năm.

Tuy nhiên, năm 2021, 2022, UBND tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng tốc, áp dụng các nguồn vốn để phấn đấu đạt mục tiêu giảm 3% tỉ lệ hộ nghèo chung và 5% hộ dân tộc thiểu số tại chỗ.

Đặc biệt, xác định nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai phân bổ vốn để thực hiện nhiều chương trình, dự án. Nhờ đó, nhiều địa phương đã đầu tư hỗ trợ sinh kế cho người dân, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. 

W-nongnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Trong lộ trình xây dựng NTM, tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất đơn thuần sang sản xuất hàng hóa. Từ các nguồn vốn Chương trình MTQG tỉnh đã lồng ghép với các nguồn vốn khác để đầu tư, xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh; hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo hiệu quả, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS. Từ việc lồng ghép này, mục tiêu đa dạng hóa sinh kế cho người dân cũng được triển khai đồng bộ, tạo khí thế và động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo các thôn, bon, buôn nông thôn trong toàn Tỉnh.

Để tạo động lực giúp người dân trong Tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai các chương trình hành động, phong trào thi đua mang lại kết quả thiết thực. Từ đó, tạo nên sức bật giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. 

Theo Báo cáo kết quả công tác giảm nghèo của tỉnh, đến tháng 12/2023, kết quả giảm nghèo chung của Tỉnh đạt 2,79 % (kế hoạch 3%) và giảm nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ đạt 8,1% (kế hoạch 5%). Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo chung của Tỉnh không đạt chỉ tiêu UBND Tỉnh đề ra, nhưng vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo DTTS tại chỗ đạt kết quả ấn tượng, vượt hơn 3% so với chỉ tiêu từ đầu năm. Với kết quả này, năm 2023 Đắk Nông là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo (Đắk Lắk giảm 1,5%; Gia Lai giảm 1,01%; Kon Tum giảm 1,43%; Lâm Đồng giảm 0,74%).

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm từ 2% trở lên, tương ứng với số hộ giảm trên 3.415 hộ. Trong đó, số hộ nghèo chung toàn tỉnh cuối năm 2024 còn 5.423 hộ, chiếm tỉ lệ 3,15%.

Và, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo đó, Đắk Nông phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là: 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện, tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin…; Các mô hình, dự án giảm nghèo theo hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp được tỉnh triển khai nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu… cho người nghèo.