Bị cắt nước không rõ nguyên do

Này 4/3, PV.VietNamNet có mặt tại thôn Liễu, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường thì được người dân cho biết, tình trạng mất nước sạch đã diễn ra hơn 1 tuần nay. Hầu hết hộ gia đình sinh sống tại đây đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan.

Phản ánh với PV, ông Hà Văn C., thôn Liễu, nói: “Ban đầu, phía đơn vị chỉ yêu cầu các hộ dân đóng 800 nghìn đồng để lắp đặt đồng hồ nước và cung cấp nước cho các hộ dân sử dụng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, người dân được yêu cầu đóng thêm 2,2 triệu đồng, nếu không sẽ bị cắt nước”.

Do chưa đủ tiền để đóng nên ông C. cũng chưa hỏi nguyên nhân tại sao phải đóng thêm.

W-f4e799687ed0d38e8ac1-1.jpg
Người dân xã Vĩnh Thịnh bức xúc về việc bị ép phải đóng hơn 2 triệu đồng mới được cấp nước.
W-bien-ban-3.jpg
 Hợp đồng hai bên ký kết.

Ông Lê Hồng Hảo (hộ dân đã đóng đủ tiền) chia sẻ: "Cách đây vài hôm, thông tin yêu cầu người dân đóng tiền được phát trên loa phát thanh của thôn. Do không muốn bị cắt nước sạch, nhà tôi đã đóng tiền đầy đủ". 

"Khi hỏi lý do phải đóng thêm khoản tiền 2,2 triệu đồng, tôi được cung cấp rất nhiều văn bản, giấy tờ kèm theo 1 phiếu thu và 1 biên bản thỏa thuận và đề nghị cấp nước sạch. Với những hộ gia đình có điều kiện, họ có thể đóng ngay. Tuy nhiên, những hộ không thể đóng ngay thì bị cắt nước. Theo tôi được biết, 2,2 triệu đồng này sẽ được đơn vị khấu trừ dần vào số tiền nước do các hộ dân chi trả hàng tháng”, ông Hảo thông tin.

Thế nhưng, đối với những hộ gia đình chỉ có 1 người như nhà bà T., bà không biết khi nào mới dùng hết 2,2 triệu đồng tiền nước. 

Tuy nhiên, khi nhận được thông báo, bà vẫn cố dành dụm được 1 triệu đồng và mong muốn đơn vị có thể linh động, song phía doanh nghiệp không đồng ý và cắt nước của nhà bà.

dong-ho-nuoc-nha-ba-t-bi-khoa-5.jpg
Đồng hồ nước nhà bà T. bị khóa vì chưa đóng số tiền 2,2 triệu đồng.

Người dân đóng tiền trước mới được dùng nước 

Theo nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh, việc các hộ dân bị yêu cầu đóng thêm khoản tiền 2,2 triệu đồng là để đơn vị triển khai hệ thống đường ống cấp nước sạch. 

Trước đó, các hộ dân đã đóng 800 nghìn đồng để đơn vị thi công lắp đặt đồng hồ đo đếm sử dụng nước. Số tiền này sẽ được đơn vị khấu trừ dần vào tiền nước do các hộ dân sử dụng hàng tháng.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho hay: “Phía xã không nhất trí với việc đơn vị cấp nước thu trước số tiền 2,2 triệu đồng vì đây gần như một hình thức chiếm dụng vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cấp nước vẫn tiếp tục thu tiền của các hộ dân và trả lời ở đâu cũng làm như vậy”.  

W-nguoi-dan-phai-dung-nuoc-mua-tu-tec-do-bi-cat-nuoc-sach-6.jpg
Nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thịnh phải hứng nước mưa để sử dụng

Theo ông Lê Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, đây là thỏa thuận của doanh nghiệp với người dân để người dân trợ giúp giảm tải kinh phí đường nước.

"Phía huyện không có văn bản chỉ đạo vấn đề này, mà doanh nghiệp xin người dân ứng trước tiền nước và trừ dần vào tiền nước của người dân tới khi hết số tiền đã ứng”, ông Trung nói.

Song, người dân lại khẳng định, họ không được đơn vị cung cấp nước họp bàn hay thỏa thuận gì mà chỉ nhận được thông báo từ loa phát thanh yêu cầu đóng tiền, nếu không sẽ bị cắt nước. "Chúng tôi người có thì đóng được, người không có phải làm sao, như vậy là ép chúng tôi chứ không phải thỏa thuận”, một người dân bức xúc.

Ngày 5/3, PV. VietNamNet đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với một lãnh đạo của Công ty CP Xây dựng Procons - Chi nhánh nhà máy nước sạch Sông Hồng cấp cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Sau nhiều cuộc gọi bất thành, PV cũng nhận được phản hồi. Vị lãnh đạo này cho biết: "Khách hàng không thực hiện đúng thoả thuận cấp nước và không ký hợp đồng thì Nhà máy dừng cấp thôi", và hẹn PV mang giấy tờ đến làm việc.

Nhưng ngày 6/3, khi PV tới nhà máy và xuất trình giấy tờ thì bảo vệ không đồng ý vì thiếu "giấy ra vào nhà máy". Còn đại diện Phòng Hành chính thì nói rằng không có hẹn thì không được gặp lãnh đạo.