{keywords}

Một nhân viên xem video trên điện thoại di động trong giờ nghỉ trưa tại một công ty công nghệ ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, ngày 12/4/2019.

Chán ngán với thời gian làm việc kéo dài, hàng nghìn nhân viên Trung Quốc đã tham gia vào một chiến dịch trực tuyến có tên “Worker Lives Matter” (Nhân viên chúng tôi cũng cần có cuộc sống), khơi lại cuộc tranh luận về thời gian làm ngoài giờ bắt buộc.

Hôm 14/10, một cuộc khảo sát về thời gian làm việc của các công ty công nghệ Trung Quốc đã lan truyền trên GitHub, một nền tảng thuộc sở hữu của Microsoft.

Tính đến 15/10, cuộc khảo sát đã có hơn 5.000 người trả lời, bao gồm cả nhân viên từ các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba và ByteDance.

GitHub là nơi khởi nguồn chiến dịch “996.ICU” vào năm 2019 - một chiến dịch gây tranh cãi khi yêu cầu nhân viên phải ở văn phòng “từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần”.

“Cuộc khảo sát là một phần trong chiến dịch do các lập trình viên Trung Quốc khởi xướng nhằm giải quyết tình trạng làm thêm giờ phổ biến hiện nay, bao gồm cả các công ty công nghệ”, một tuyên ngôn đính kèm chiến dịch viết. Chiến dịch được khơi mào bởi các nhà phát triển ẩn danh ở Trung Quốc với slogan “Worker Lives Matter” (Nhân viên chúng tôi cũng cần có cuộc sống).

Các thông tin được thu thập trong cuộc khảo sát, bao gồm công việc của nhân viên, thời gian bắt đầu và kết thúc, giờ nghỉ trưa và ăn tối, ngày làm việc mỗi tuần và các quan sát về những vấn đề gây tranh cãi khác như số lượng nhân viên trên 35 tuổi - độ tuổi mà ở các công ty công nghệ Trung Quốc được đồn đoán là sẽ sa thải nhân viên.

Hầu hết những người được hỏi tự xưng là nhân viên của 10 công ty công nghệ lớn, bao gồm Tencent, Alibaba, Huawei, ByteDance và Baidu, cho biết họ bắt đầu một ngày làm việc vào khoảng 10 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối, với tổng cộng khoảng 3h nghỉ cho bữa trưa và bữa tối. Hầu hết họ làm việc 5 ngày trong tuần, một số ít phải làm 6 ngày.

Trong số đó, Pinduoduo được cho là nơi có thời gian làm việc dài nhất. Những người được hỏi cho biết họ làm việc 6 ngày một tuần và không nghỉ cho đến 10h30' tối.

Cuộc khảo sát được ẩn danh và không thể biết được vị trí công việc chính xác trong công ty của người trả lời. Pinduoduo có lẽ vì thế đã không đưa ra bình luận nào về các thông tin này.

Người tổ chức chiến dịch có tên ZhangNanBei, đã từ chối yêu cầu phỏng vấn hôm 14/10, nói rằng có “những vấn đề còn chưa rõ” sẽ cần được giải quyết trong cuộc khảo sát.

Ngoài cơ sở dữ liệu thu thập được, chiến dịch cũng đã tạo ra ít nhất 10 cuộc trò chuyện nhóm mở trên QQ, một ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Tencent. Mỗi nhóm có 2.000 thành viên đang thảo luận và phàn nàn về giờ làm việc của họ.

Zheng, một nhân viên 25 tuổi của công ty ByteDance cho biết, anh thường đến văn phòng trước 10h30 sáng và rời đi lúc 9h tối, 5 ngày mỗi tuần, và đôi khi phải làm việc đến 10h tối.

“Đối với tôi, kiểu làm việc 996 không chỉ mệt mỏi về thể chất, mà còn về tinh thần. Khi chúng tôi có những giới hạn chặt chẽ về thời gian thì ngay cả đi vệ sinh cũng là một việc gấp rút”, anh nói. “Tôi thực sự ghen tị với một người bạn có thể vừa nuôi chó vừa xem phim vào buổi tối. Tôi cảm thấy như cuộc sống của mình chỉ xoay xung quanh công việc”.

Một nhân viên của Huawei họ Su, người cũng tham gia chiến dịch, nói rằng anh ấy phải làm việc từ 9h30' sáng đến 8h30' tối, 3 ngày mỗi tuần, 2 ngày còn lại thì có thể kết thúc công việc lúc 6h chiều. Anh nói rằng làm thêm giờ có hại cho cả nhân viên và công ty. “Hầu hết thời gian, nhân viên không thực hiện công việc một cách nghiêm túc”.

Huawei từ chối bình luận về câu chuyện này, trong khi ByteDance không hồi đáp.

Cuộc tranh luận về việc làm thêm giờ bắt đầu vào tháng 3/2019 trên GitHub sau khi một lập trình viên khởi tạo chiến dịch kêu gọi các công ty thương mại điện tử Youzan và JD.com gây áp lực buộc nhân viên phải làm việc ngoài giờ.

Nó gây ra một cuộc tranh luận về điều kiện làm việc ở các công ty công nghệ lớn. Sự phẫn nộ của công chúng về việc làm thêm giờ lên đến đỉnh điểm vào tháng 1/2021, khi một nhân viên 23 tuổi đang làm việc cho nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đột ngột qua đời trên đường về nhà lúc 1h30' sáng.

Vào tháng 8, tòa án cấp cao nhất của Trung Quốc đã công bố một loạt các phán quyết liên quan đến lao động để làm rõ các tiêu chuẩn pháp lý về giờ làm việc và tiền lương làm thêm giờ. Trong khi đó, các công ty công nghệ bao gồm ByteDance, Meituan và một bộ phận trò chơi tại Tencent đã chuyển sang hạn chế làm việc ngoài giờ và cuối tuần.

Nhưng cả Zheng và Su đều nghi ngờ về hiệu quả của những quyết sách này.

“Chiến dịch chỉ là nhu cầu của những người lao động cấp thấp. Tôi không nghĩ có ai trong ban lãnh đạo sẽ đứng về phía chúng tôi”, Zheng nói.

Trong khi đó, Su cho rằng: “Tất cả phụ thuộc vào việc liệu chính phủ có thực sự cố gắng thực thi luật pháp hay không”.

Đăng Dương (Theo Sixth Tone) 

Giới trẻ Trung Quốc bỏ việc công sở, khát khao kiếm tiền qua mạng

Giới trẻ Trung Quốc bỏ việc công sở, khát khao kiếm tiền qua mạng

Bỏ công việc truyền thống 8 tiếng/ ngày, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn những công việc được hỗ trợ bởi mạng xã hội và tiếp thị trực tuyến.