Thực trạng trên đang xảy ra tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương khiến hàng chục hộ dân như “ngồi trên đống lửa”.

Bỗng dưng mất lối đi

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại lối xung quanh Công ty CP xuất Lý Đan (Công ty Lý Đan, khu phố Khánh Vân, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), vào năm 2020, người dân mua đất tiếp giáp con đường bê tông dẫn vào công ty này để xây nhà ở, được Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Tân Uyên thừa ủy quyền của Sở TN&MT tỉnh Bình Dương (văn phòng đăng ký đất đai Tân Uyên) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bức tường do Công ty Lý Đan xây dựng trước nhà dân - Ảnh: X.A

Trong giấy chứng nhận do đơn vị này cấp thể hiện các thửa đất của người dân tiếp giáp với đường bê tông, vị trí ngay con đường dẫn vào công ty trên.

Tuy nhiên, sau khi người dân xin giấy phép xây nhà thì phía Công ty Lý Đan bất ngờ cho người xây bức tường ngay trước nhà, bít lối ra vào.

Ông Trần Quý Tám (người dân tại khu vực này) cho hay, trước đây ông mua một mảnh đất có mặt tiền tiếp giáp với đường bê tông tại lối vào Công ty Lý Đan, được cấp “sổ đỏ” vào năm 2020.

Thế nhưng, mới đây ông xây nhà thì bị Công ty Lý Đan cho người đến dựng hàng rào chắn trước mặt, không cho ông làm sân tiếp giáp với con đường, phải đến khi người dân tại đây thông báo cho chính quyền địa phương, phía công ty mới ngưng xây tường rào, giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý.

Theo ông Tám, mảnh đất của ông được cơ quan chức năng cấp “sổ đỏ”, trên sổ thể hiện rõ đất tiếp giáp với đường bê tông. Thế nhưng, khi ông làm nhà thì Công ty Lý Đan xây tường chắn lối ra vào với lý do đây là phần đất của công ty, con đường cũng do công ty làm nên người dân không được tự ý sử dụng.

Khu đất của các hộ dân bị xây tường rào chắn lối đi lại - Ảnh: X.A

Một trường hợp khác là bà Phan Thị Vân (SN 1988). Vào ngày 10/7/2020, bà Vân được Văn phòng đăng ký đất đai Tân Uyên cấp “sổ đỏ” tiếp giáp với đường bê tông.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Lý Đan xây một bức tường cao khoảng 2 mét, dài hàng chục mét chắn hết đất của bà cùng với lý do “đất và đường của công ty”.

Ngoài hai trường hợp nêu trên còn có nhiều người dân khác cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự, dù có đất nhưng không thể xây nhà, không có lối đi dù được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Trong khi đó, đại diện Công ty Lý Đan cho rằng, đường bê tông này là do trước đây công ty mua đất của dân, sau đó làm đường để dẫn vào công ty. Trước thời điểm có con đường, khu vực này không có con đường nào khác mà chỉ có mương nước.

Đến năm 2017, công ty này làm đường bê tông để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà trên sổ đất của người dân tại đây lại thể hiện là đường bê tông.

Đường “biến” thành mương, mương “biến” thành đường

Theo hồ sơ chúng tôi có được, vào năm 2008, UBND huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên) cấp Giấy CNQSD đất cho các hộ dân tại khu vực này (vị trí tại tờ bản đồ số 44) thể hiện phần đất của người dân tiếp giáp với đường đất. 

Tuy nhiên, trong Giấy CNQSD đất mà UBND huyện Tân Uyên cấp cho ông Ninh Duy Hoằng (cũng tờ bản đồ số 44, là khu vực đường bê tông dẫn vào công ty Lý Đan hiện nay) vào tháng 11/2009, đường đất nói trên đã bị “biến” mất, thay vào đó là "mương nước".

Cũng trên con đường này, vào năm 2014 UBND thị xã Tân Uyên cấp Giấy CNQSD đất cho ông Nguyễn Văn Chẳn (SN 1963) thể hiện phần đất của ông này tiếp giáp với đường đất.

Thế nhưng, khi ông Chẳn chuyển nhượng phần đất này cho ông Nguyễn Văn Hán (SN 1981) vào năm năm 2019 thì đường đất này cũng “biến” mất một cách khó hiểu, thay thế bằng mương nhưng trên thực tế không có mương nước nào tại đây.

Con đường bê tông dẫn vào doanh nghiệp, cũng là lối đi duy nhất của dân - Ản: X.A

Trả lời về vụ việc này, ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho rằng, trước đây Công ty Lý Đan mua đất của dân, sau đó đầu tư làm đường nên công ty được sử dụng.

Theo ông Tươi, mặc dù công ty làm đường để phục vụ cho việc sản xuất nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sử dụng chung lối đi, doanh nghiệp không thể chặn đường đi của người dân.

Về việc văn phòng đăng ký đất đai Tân Uyên cấp “sổ đỏ” cho người dân tại đây có thể hiện đường bê tông, ông Tươi nói sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra lại, nếu phía Văn phòng đăng ký đất đai cấp sổ có đường bê tông tại vị trí như đề cập ở trên là không đúng.

Ông Võ Phi Hải – Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Tân Uyên khẳng định, khi đường đã được thể hiện trên Giấy CNQSD đất thì đều phải có ý kiến của xã phường và UBND thị xã Tân Uyên, không thể tự ý thể hiện lên giấy chứng nhận.

“Con đường bê tông thể hiện trên sổ cấp cho người dân chưa chắc đã phải là con đường dẫn vào doanh nghiệp Lý Đan, tôi phải xem lại. Còn đường dẫn vào doanh nghiệp này theo tôi được biết thì do họ tự làm, không có pháp lý gì cả” – ông Hải nói.

Từ trả lời của ông Hải, PV đã ghi nhận thực tế tại khu vực thì hiện chỉ có một con đường bê tông duy nhất, là đường mà phía Công ty Lý Đan cho rằng đã mua đất rồi làm đường, tiếp giáp đường này là đất của các hộ dân được thể hiện trong sổ mà đơn vị này đã cấp trước đó.

Xuân An