- Đến sáng nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang đến từng xã của huyện Thạch Thành có cá lồng chết để kiểm tra, lấy mẫu nước.

Hơn chục tấn cá chết như ngả rạ trên sông Bưởi

Hàng trăm triệu mất trắng trong đêm

Mấy ngày nay, cá lồng trên sông Bưởi ở các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh… bị chết hàng loạt do nước sông ô nhiễm nghiêm trọng.

{keywords}

Cá lồng chết hàng loạt

{keywords}

Tại xã Thành Vinh, chị Nguyễn Thị Báu (thôn Bãi Cháy) kể lại, chiều 5/5, chị cũng như những hộ nuôi cá lồng được xã và thôn thông báo ở khu vực phía trên (tức xã Thạch Lâm, thượng nguồn sông Bưởi) cá đang chết rất nhiều.

Nghe vậy, chị Báu bủn rủn chân tay. Chị vội vàng lấy bạt che chắn cho các lồng cá của mình, đồng thời lắp quạt sục ô xy cho cá thở. Tưởng vậy là yên tâm. Đến khoảng 12h đêm, chị ngửi thấy mùi nước sông Bưởi bốc lên hôi thối nồng nặc, nước đen, đặc quánh lại có hiện tượng nhớt.

Vừa lúc nước “lạ” ở trên nguồn chảy xuống thì ở 4 lồng cá của nhà chị cá nhảy loạn xạ, rồi ngửa bụng ra chết. Đến sáng sớm 4 lồng cá không còn con nào sống sót.

Chị bảo, bè cá nhà chị bắt đầu nuôi từ năm 2011 nhưng chưa thu hoạch. Trong lồng còn hơn 400 con cá trắm trọng lượng 3-8kg, ước tính trị giá 300 triệu đồng.

{keywords}

Sáng nay, UBND huyện hỗ trợ cho các hộ 2 triệu đồng và 20kg gạo

Bè cá nhà chị Báu sở dĩ 5 năm qua không bán vì đó là “của để dành”. Khi nào có việc đại sự như cưới vợ cho con, hay con gái đẻ… chị mới bán kiếm tiền. Chị Báu cũng dự định vài ba tháng tới sẽ bán 1-2 lồng để lấy tiền lo cho con gái đẻ, bây giờ thành công cốc.

Không biết bao giờ được lên bờ

Nhà chị Báu như vậy đã khổ lắm rồi. Chỉ tay về bè cá nhà bà Nguyễn Thị Lợi (hơn 80 tuổi) cách nhà chị vài chục mét, chị bảo "nhà bà ấy còn khổ gấp ngàn lần nhà tôi".

Gặp chúng tôi, bà Lợi nói giọng run run. Ở cái tuổi gần đất xa trời tưởng sắp được một lần lên bờ sống, nhưng cuối cùng bè cá mất hết chẳng có tiền mà mua đất xây nhà.

{keywords}
Bà Lợi cùng vợ chồng con trai và các cháu chưa biết sẽ sống như thế nào

Nhà bà Lợi đã sống trên sông nước qua bao nhiêu thế hệ. Bảy người trong gia đình quây quần bên chiếc thuyền nhỏ. Hàng ngày chỉ có hai vợ chồng nhà anh Nguyễn Văn Do và chị Nguyễn Thị Chính (con trai bà) là lao động chính.

Bà Lợi bảo, bè nhà bà tính ra cũng được hơn một tấn cá. Suốt 7 năm qua, gia đình không dám bán một con. Hàng ngày hai vợ chồng anh Do đi đánh cá trên sông bán kiếm tiền trang trải trong ngày. Lồng cá là “của để dành”, dự định tháng 7 này anh chị bán đi cũng được hơn 200 triệu, sẽ mua đất làm một ngôi nhà nhỏ để bà Lợi được một lần sống trên bờ trước khi chết.

Nhà anh Do có 4 người con. Con trai đầu 9 tuổi, ở nhà giúp bố mẹ, không được đi học. Đứa thứ hai 5 tuổi may mắn hơn, đầu năm nay được trường đến vận động cho đi học mầm non.

“Nhà 7 miệng ăn, 4 đứa con còn nhỏ, giờ vợ chồng tôi có muốn đi làm thuê cũng không được. Ở trên sông này nước ô nhiễm, cá chết hết, chẳng biết chúng tôi sẽ sống thế nào”, anh Do nói.

{keywords}

Hàng chục tay lưới bát quái của anh Do không thể đánh cá do nước sông ô nhiễm, cá chết hết

Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Minh Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, hầu hết các hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi đều nghèo khó.

Chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ cho mỗi gia đình có bè cá chết 2 triệu đồng và 20kg gạo, UBND xã hỗ trợ 20kg gạo, các đội tình nguyện hỗ trợ 5kg gạo, một túi xà phòng và một thùng mỳ tôm.

“Đến sáng nay, các cơ quan ban ngành địa phương vẫn đang tiếp tục vớt xác cá chết trên sông để khắc phục môi trường. Đoàn công tác của tỉnh, Sở TN&MT tiếp tục lấy mẫu nước để điều tra nguyên nhân khiến cá chết”, ông Thông cho biết.

Hôm qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đi kiểm tra thực tế vùng cá chết. Ông đã chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra. Theo đó, Công an Thanh Hóa sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành tỉnh Hòa Bình điều tra, hoàn thiện hồ sơ và căn cứ các quy định pháp luật để khởi tố vụ án hình sự gây ô nhiễm sông Bưởi.

Lê Anh