Tất nhiên, những người dân quen sống ở phố mà biết đọc sách thì đã có từ rất lâu, kể cả lúc tuyệt chưa có cái kiểu “ngày văn hóa đọc” ồn ào như bây giờ. Ví như Hà Nội từng một thời trong trắng tới mức chỉ có dăm bảy cái rạp chiếu phim, vài ba cái nhà hát, tivi thì hai màu trắng đen, chương trình ngây thơ đơn giản, đã thế lại phát cách nhật. Để giải trí tinh thần thì chẳng có gì vừa rẻ tiền vừa cao nhã bằng đọc sách.
Đọc sách chưa bao giờ là trực diện mưu sinh hay khua múa khoe khôn |
Hồi bao cấp, đi đến phố nào cũng dễ dàng thấy cái cảnh một lũ trẻ con xúm xít bên nhau tranh giành đọc một quyển sách nào đó, mà lừng lẫy nhất là tập “Sát Thát” của Nhà xuất bản Kim Đồng. Bọn trẻ mắt hau háu, và giữa những cái đầu căng thẳng húi cua, luôn nổi lên một mái tóc “hỉ nhi” của con bé chủ cuốn truyện.
Đa phần đó là những con bé mặt bầu bĩnh bướng bỉnh, phong độ rất “gấu”. Nó ích kỷ ghì hai tay giữ trang sách không cho bọn xem cùng được lật. Rồi nó giở trò “nhem, nhem” lúc đọc nhanh lúc đọc chậm, làm cho bọn đọc ké xót xa vô cùng, cho dù tất tật chúng nó đều đã đọc đi đọc lại cuốn đó không dưới trăm lần.
Để đỡ thèm, bọn trẻ thường bắt một thằng có vẻ đọc nhiều, ngồi quanh cột đèn kể chuyện. Thằng này gầy gò học giỏi, nổi tiếng “mọt sách”. Thằng này sẽ kể lại “Tam quốc”, “Tây du” qua những lần đọc trộm nhảy cóc từ tủ sách của bố nó mà ông ấy cẩn thận giữ hơn giữ vàng. Có những buổi tối mất điện, hứng lên, thằng này còn liều lĩnh bịa ra những đoạn truyện kiểu như “Thép đã tôi thế đấy” hay “Đội thanh niên cận vệ” của Liên Xô mà nó hóng hớt lại từ anh từ chị.
Chính vì thế nó luôn phải thêm thắt cho câu chuyện được liền mạch sinh động. Rồi đây, khi từng trải thăng trầm có tuổi, nó sẽ loay hoay lớn thành nhà văn, nhà báo hay đạo diễn phim truyện. Không biết bao lần cái thói quen lê la đọc sách ở vỉa hè đã âm thầm nuôi dưỡng cho văn nghệ Thủ đô những khuôn mặt nổi tiếng.
Cố nhiên, đô thị là chốn quây quần cuồn cuộn sống của đủ mọi hạng người nên độc giả ở phố cũng muôn màu muôn vẻ. Họ có thể là thầy giáo đang phải dạy học, lại có thể là sinh viên năm cuối đang vào mùa thi cử. Hoặc có thể là nghiên cứu viên của một viện khoa học đang “trúng mánh” làm công trình tổng tập hoành tráng. Và cũng có thể là giáo sư tiến sỹ tham vọng làm dự án truyền hình xã hội hóa. Nhìn cách họ đọc là biết ngay, nôn nóng ngấu nghiến nuốt chữ.
Họ muốn trong một thời gian ngắn nhất làm chủ một khối lượng kiến thức đồ sộ nhất. Họ bơ phờ đọc xuyên trưa, lảo đảo đọc qua chiều. Nhìn họ “nhai” sách bỗng rờn rợn rưng rưng, bởi đơn giản đọc sách nhiều khi chỉ là một cái thú, nó lâng lâng nhè nhẹ đem lại một viên mãn vô tư khoái cảm. Thậm chí ở những người tinh tế và tử tế, đọc sách là một thao tác tao nhã để sâu xa nghĩ rồi thưởng thức những trải nghiệm sống. Nó vĩnh viễn tuyệt không là một sự chiếm hữu. Đọc sách chưa bao giờ là trực diện mưu sinh hay khua múa khoe khôn.
Hình như vì thế mà cái cảnh cảm động nhất vẫn là được thấy thị dân đọc kiếm hiệp. Sau khi Sài Gòn giải phóng, truyện “chưởng” đủ loại, đặc biệt đáng kể là của “Cắm Dùng xếnh xáng”, vũ bão tràn ra Bắc. Khắp các vỉa hè Hà Nội nhan nhản nam phụ lão ấu, tóc tai bơ phờ mắt mọng đỏ vì mất ngủ, đang vùi đầu nốt vào cuốn sách có bìa màu sặc sỡ vẽ một cặp nam nữ múa kiếm mặc võ phục cổ trang.
Hoặc truyện đấy là thuê, hoặc truyện đấy là mượn, rất hiếm người sở hữu được một bộ hoàn chỉnh. Bọn họ vừa đọc vừa thỉnh thoảng lấy tay nhấp nhấp những tờ còn lại. Quái quỷ, sao mà nó hết nhanh thế. Thật khác xa cái kiểu đọc bây giờ, người ta chỉ nhanh nhanh chóng chóng sốt ruột muốn đọc cho xong. Nói chung, dân phố đọc truyện võ hiệp hầu hết là những độc giả trong trắng, những người đọc sách chỉ vì mê man hứng chứ tuyệt đối không có mục đích gì.
Có phải thế chăng mà lúc Hà Nội còn thưa người, thưa tivi xe máy, thì có quá nhiều hiệu cho thuê sách kiếm hiệp. Tất nhiên, giống như những kiếp sống phù du giang hồ, những điểm cho thuê sách đấy thăng trầm trồi sụt thoắt ẩn thoắt hiện.
Chủ hiệu cho thuê sách có thể là một thiếu phụ to béo, không những thuộc lòng “Cô gái Đồ Long” mà còn có thể vanh vách đọc vã vài chương “Mùa Thu lá bay” sướt mướt thê thảm của Quỳnh Dao nữ sĩ, lại cũng có thể là một thanh niên gầy gò tóc dài, mặt buồn tủi như thiếu trang chủ Du Thản Chi. Ngay cả khi có cửa hiệu khang trang hơn, thì phong độ những ông bà chủ ở đây cũng xộc xệch giống bọn “Giang Nam thất quái”, lừng danh vì nghĩa chứ không phải vì tài.
Mươi năm gần đây, vô số học giả có vẻ tài lẫn lộn đức, tâm huyết lo lắng về văn hóa đọc. Thật là một nỗi lo “hơi bị” sang trọng. Thao tác đọc sách giống như mọi thao tác của tình yêu, nó trong veo thong thả thầm thì, nồng nàn mà không ồn ào. Vượt qua phù phiếm thăng trầm đám đông, những thị dân biết đọc chẳng bao giờ là hết.
Theo ANTĐ