Là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, đạt sớm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra, đến nay, Thoại Sơn có 14/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 3 thị trấn đạt đô thị văn minh. đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Có được kết quả này, theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm, đó là nhờ những năm qua, Thoại Sơn đã triển khai hiệu quả các mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

NTM an giang xã kiến an huyện chợ mới.jpg
Dân vận khéo giúp thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở An Giang.

Một trong những yếu tố quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện đó là sự thông suốt, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; cũng như công tác tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Minh chứng rõ nhất là việc nhân dân tham gia hiến đất mở đường với 11 tuyến đường ở các xã có chiều dài 43km; đường liên xã, liên ấp được nhựa hoá 31 tuyến với chiều dài 118km; xây dựng hàng chục cây cầu với kinh phí xã hội hoá, trong đó nhân dân và lực lượng cán bộ, công nhân viên chức tham gia ngày công.

Không chỉ làm đường giao thông, nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ về nhà ở thông qua hoạt động xây nhà Đại đoàn kết do Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện vận động từ quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, 133 căn nhà Đại đoàn kết được cất mới, 16 căn nhà được sửa chữa; hỗ trợ khám chữa bệnh 109 lượt người; hỗ trợ an sinh xã hội... Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, huyện đã vận động và xã hội hoá dược 31 nguồn quỹ.

Tất cả đều nhờ vào công tác dân vận. Dân vận khéo đã tạo hiệu ứng tích cực các hoạt động và phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn ngày một giàu đẹp. Mới đây, huyện Thoại Sơn đã được trao tặng Kỷ lục Việt Nam, với nội dung “Huyện xây dựng và vận động xã hội hóa được nhiều nguồn quỹ nhất để phục vụ công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn”.

Tại huyện Chợ Mới, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy và UBMTTQVN huyện đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Qua đó, tích cực huy động tiềm lực trong dân, hưởng ứng các phong trào, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.

Điển hình là huyện đã tích cực triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” đã được hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở hưởng ứng tích cực với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. 

Theo đó, toàn huyện đã xây dựng được 1.012 lượt mô hình, thông qua đó nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân đã đóng góp 5 năm qua hơn 344 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội. Cụ thể là đã xây dựng được 110 cây cầu bê tông; xây hơn 1.800 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 133 tuyến đường giao thông nông thôn dài hơn 138km, trồng hoa và cây xanh trên 170 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 262km; ngoài ra còn có các mô hình giúp nhau làm kinh tế, bảo vệ môi trường,… nhờ đó đã lan toả được ý thức tự giác của người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Thanh Tiền, Phó trưởng Phòng đoàn thể và các Hội thuộc Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang, cho biết, toàn tỉnh có 1.647 mô hình Dân vận khéo trên 4 lĩnh vực gồm: Kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, trị giá trên 500 tỷ đồng. 

Trong đó có nhiều mô hình đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao như: Khéo vận động chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng lộ giao thông nông thôn; khéo vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, loại bỏ các thủ tục lạc hậu, xử lý rác thải đúng quy định, xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp; khéo tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự; khéo trong nâng cao trách nhiệm tinh thần phục vụ Nhân dân của Bộ phận một cửa với mô hình “Sáu biết”: Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn và biết xin lỗi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Điều đáng nói là, nhiều tiêu chí đã đạt được kết quả khả quan, như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông… Đến năm 2023, GRDP bình quân/người chung toàn tỉnh ước đạt 60,7 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 6 triệu đồng so năm trước; tỷ lệ xã đạt tiêu chí thu nhập và giảm nghèo đa chiều cũng đạt mức cao. Qua rà soát, đánh giá đối với 76 xã nông thôn mới, kết quả cho thấy đa số duy trì tốt tiêu chí, chỉ tiêu đạt được.