Đó là một phần thực tế đang diễn ra ở Venezuela, khi đất nước này tiếp tục rơi vào cảnh mất điện triền miên trên diện rộng. Vào lúc đỉnh điểm tồi tệ, có tới 19 trong số 23 bang bị ảnh hưởng, kể cả thủ đô Caracas cũng chìm trong bóng tối.
Ảnh: AP |
Tổng thống Nicolas Maduro hôm 11/3 nói rằng việc phục hồi điện sẽ được thực hiện "dần từng bước một". Khi đó, ông thông báo các trường học và công sở trên toàn quốc sẽ ngừng hoạt động thêm 48 giờ nữa.
Không có thời gian biểu cụ thể nào được đưa ra cho việc phục hồi điện hoàn toàn. Và không điện có nghĩa là không có nước máy cho các gia đình phụ thuộc vào nguồn cung này.
Ảnh: AP |
Theo CNN, nhiều người Venezuela phải mang can, thùng và chai lọ ra sông suối lấy nước về dùng cho nấu nướng, lau chùi và tắm rửa bất chấp tình trạng ô nhiễm. Không có điện còn đồng nghĩa với thực phẩm chóng bị thối rữa do không thể bảo quản trong tủ lạnh.
Ngành y tế cũng vô cùng khốn đốn. Bệnh viện Đại học Caracas nổi tiếng là tốt nhất ở thủ đô Venezuela giờ phải đối mặt với tình trạng tuyệt vọng và hỗn loạn như nhiều cơ sở y tế khác. Không chỉ bệnh nhân mà cả đội ngũ y bác sĩ cũng phải làm việc rất chật vật. Các phòng lọc máu, hô hấp, hóa trị và cấp cứu đều cần điện liên tục để duy trì hoạt động nhưng máy phát không thể đảm bảo được điều này.
Ảnh: CNN |
Venezuela đang rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, với cuộc tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt giữa Tổng thống Nicolas Maduro và thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido.
Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido. (Ảnh: AP) |
Ông Maduro mô tả tình trạng mất điện diện rộng là kết quả của một cuộc "đảo chính điện tử" do "những kẻ tội phạm" thực hiện. Ông chỉ đích danh Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện của Venezuela nhưng không trưng ra bằng chứng.
Theo hãng tin Anh The Guardian, phe đối lập ở Venezuela nói rằng ít nhất 21 người đã chết liên quan đến tình trạng mất điện. Ngành dầu lửa của Venezuela cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Thanh Hảo