Nam bệnh nhân 54 tuổi được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khoảng 1 giờ sau khi có dấu hiệu bất thường. Khi đến viện, ông đã trong tình trạng lơ mơ, gọi - hỏi không đáp ứng, liệt nửa người phải.

Người nhà cho biết ông có tiền sử tăng huyết áp, uống thuốc đều, huyết áp nền duy trì mức 130/80, kèm đái tháo đường. Bệnh nhân từng bị nhồi máu não cách đây 1 năm nhưng không uống thuốc dự phòng.

Tuy nhiên, khi vào viện, huyết áp của bệnh nhân xuống thấp so với nền bình thường, 90/60, da vùng cổ ngực hơi đỏ. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ não cấp kèm phản vệ nặng không rõ loại.

Bệnh nhân ngay lập tức được tiêm nửa ống Adrenalin bắp. Sau tiêm 5 phút, huyết áp người này tăng dần nhưng tình trạng ý thức và liệt không thay đổi. Lập tức, ông được chuyển đi chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não.

Kết quả cho thấy có hình ảnh tổn thương cũ, không có chảy máu. Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu huyết khối khoảng 30 phút sau khi vào viện. 

Ngay sau khi sử dụng, bệnh nhân tỉnh dần, liệt không thay đổi. Sau 2 giờ, cơ lực đã lên 3/5. Sáng hôm sau, chức năng vận động ngôn ngữ của ông đã trở lại bình thường.

benh nhan 1.jpg
Bệnh nhân vừa bị đột quỵ được cứu sống, phục hồi tốt. Ảnh: BVCC

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Minh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết trên nền một bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ, lại có thêm yếu tố phản vệ sẽ khiến huyết áp thấp, thúc đẩy đột quỵ. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong giờ vàng, xử trí nhanh và chính xác nên cứu được vùng não tổn thương, phục hồi tốt.

Biểu hiện của đột quỵ não

- F (Face) - Khuôn mặt: người bệnh bất ngờ bị méo mặt lệch về 1 bên.

- A (Arm) - Cánh tay: Người bệnh có thể bị tê liệt một cánh tay, một bên chân hoặc nửa người.

- S (Speech) - Giọng nói: người bệnh bất ngờ mất khả năng nói, không gọi được người xung quanh mà chỉ phát ra tiếng ú ớ hoặc nói ngọng.

Khi phát hiện người có biểu hiện trên, cần gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu bệnh nhân hôn mê. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép, có thể vận chuyển bằng phương tiện sẵn có để chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.

Không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay chờ đợi bệnh nhân ổn rồi mới đưa đi cấp cứu.