Mới sinh con được 1 tháng 15 ngày, nhưng dường như, niềm hạnh phúc khi có con chưa đủ lớn để khiến tôi vượt qua mọi áp lực và phiền muộn trong cuộc sống. Vì thế bây giờ tôi đang phải trải qua những cơn stress cực lớn. Đến nỗi, nhiều lúc tôi như muốn phát điên, đầu óc muốn nổ tung và muốn mang mọi thứ ra để đập phá.
Mọi người bảo, đó là triệu chứng dễ gặp ở những người sau sinh. Nhất là những người mới sinh con lần đầu như tôi.
Tôi thì không biết, tôi có giống những người phụ nữ đó hay không? Và những muộn phiền của tôi có phải là do tôi suy nghĩ quá nhiều, quá nhạy cảm, hay là những người bên cạnh tôi, chồng tôi, gia đình chồng tôi đã quá tệ khiến tôi phải ra nông nỗi này.
Tôi bầu 9 tháng là 9 tháng chồng tôi thất nghiệp, và ngập ngụa trong cờ bạc, rượu chè rồi đánh chửi tôi mỗi khi say, hay mỗi khi anh ta thua bạc.
Ảnh minh họa |
Để có tiền ăn uống, sinh hoạt cho cả nhà và tiền đi khám thai, tiền mua thuốc uống bổ xung cho con, một mình tôi phải lăn lóc ra để làm.
Đến tận tháng đẻ, tôi vẫn còn phải dậy từ 3h sáng để đi chợ đầu mối, chở 1 xe rau to tướng về bán kiếm thêm ngoài những giờ tôi đi làm công sở.
Bố mẹ chồng tôi biết tôi khổ sở như vậy, và cũng biết con trai mình hư đốn như vậy, nhưng tiệt nhiên, ông bà không hề giúp đỡ, cũng không hề trách mắng con trai lấy một câu. Lúc nào cũng đổ lỗi cho tôi. Bảo tôi phải làm sao thì chồng nó mới đánh, mới rượu chè cờ bạc như vậy. Chứ trước kia, nó là một đứa con trai hiền lành, ngoan ngoãn.
Tôi nghe mà phát ngán. Tuy nhiên, tôi vẫn kìm nén cho qua, bởi nghĩ đi nghĩ lại, có tức giận cũng chỉ mệt mình và ảnh hưởng đến con. Nhưng đến khi tôi sinh thì sự kìm nén của tôi dường như đã không còn giữ được nữa …
Trước ngày sinh 1 tuần, chồng tôi đã điện cho mẹ chồng, nói bà lên để giúp đỡ tôi, và chăm sóc cháu nội. Bà ậm ừ, nhưng rồi mãi cũng chẳng thấy mặt mũi đâu. Đến khi tôi đẻ xong ở bệnh viện, chồng tôi phải điện về cáu gắt thì mấy tiếng sau bà mới xuất hiện ở Hà Nội.
Nhưng ở nhà, trái ngược với sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng như bà đã từng làm cho các chị chồng của tôi. Bà hời hợt và vô tâm đến lạ.
Tôi đẻ mổ, đi lại còn khó khăn.Vì thế, quần áo bẩn của tôi bà phải giặt , cơm nước bà phải mang đến tận giường vì tôi nằm ở gác 2 không thể lên xuống cầu thang thường xuyên được. Vậy mà, có hôm, vì phải giặt quần áo bẩn, có chút sản dịch bị rớt ra mà bà lầm bầm cả ngày. Mang cơm cho tôi, bà vứt bịch cái mâm cơm rõ mạnh làm nước canh té cả ra ngoài.
Sau đó, bà điện thoại cho các chị, kêu khổ. Mỗi ngày đều phải cơm bưng nước rót cho con dâu…
Bà chị chồng tôi thấy mẹ than vãn như vậy thì thương mẹ, gọi điện cho tôi chửi như tát nước khiến tôi nằm ôm con mà nước mắt cứ trào ra. Thế nhưng, tôi vẫn cố nhịn.
Tôi chỉ nhẹ nhàng bảo bà, có gì tôi không đúng thì bà góp ý cho tôi, và mong bà cố gắng kiêng cữ cho tôi lấy 1 tháng. Không ngờ, sau cuộc nói chuyện đó, bà lại điện thoại cho các chị, bảo tôi bắt bà làm osin không công thêm 1 tháng nữa.
Thấy thế, các chị chồng tôi lại chồm lên, đến tận nhà, chỉ vào mặt tôi mà chửi tôi. Bảo tôi không biết điều, đã bắt bà phục vụ lại còn đòi hỏi. Rồi còn nặng lời bảo tôi gọi mẹ đẻ đến mà phục vụ. Trong khi các chị đều biết, mẹ tôi đã mất từ khi tôi còn rất nhỏ.
Vì vậy, như động đến nỗi đau của mình, và cảm nhận một sự xúc phạm nặng nề, tôi đã cãi lại. Tôi bảo các chị quá đáng, các chị đẻ rồi, cũng biết vừa đẻ xong thì yếu ớt đến thế nào. Vậy mà …
Tôi chưa nói hết câu thì 1 cái tát từ tay của chị chồng đã giáng thẳng vào mặt tôi. Tôi choáng váng, nên ôm lấy mặt mà khóc.
Chồng tôi về nhà, thấy cảnh đó thì nổi cơn thịnh nộ, quát tháo tôi, đồng thời mắng các chị. Anh cũng nhắc đến chuyện, các chị đẻ đái được bà đến chăm sóc, không phải động chân động tay suốt 3 tháng 10 ngày. Thế mà bây giờ…
Nhưng các chị cãi, bảo đó là mẹ đẻ ra các chị, còn tôi, tôi không được phép bắt mẹ chồng phải phục vụ trong khi chưa làm được việc gì gia đình của chồng.
Sau đó, các chị đùng đùng đòi đưa mẹ về quê chứ không để mẹ ở lại chăm sóc tôi nữa.
Tôi tự ái, chồng tôi cũng tự ái nên để mặc bà quyết định. Cuối cùng, bà chọn phương án bỏ về quê khi tôi mới sinh con được 24 ngày.
Từ đó, một mình tôi phải xoay sở mọi chuyện. Nhưng những mệt mỏi đó chưa là gì khi mỗi ngày tôi đều phải nghe những cuộc điện thoại trách móc và phải chịu cái tiếng ăn ở không ra gì khiến mẹ chồng phải bỏ về quê đang lan ra khắp cả họ hàng, làng xã.
Tệ hơn, từ khi mẹ chồng tôi về, chồng tôi lại tiếp tục bập vào rượu chè, cờ bạc khiến cuộc sống của tôi càng như địa ngục, nên càng ngày càng stress nặng nề. Tôi không biết, tôi còn có thể trụ vững để nuôi con đến lúc nào nữa…
Độc giả Phạm Thùy
(Thường Tín – Hà Nội)