Độc giả ở ngõ Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) gửi thắc mắc nhờ giải đáp: “Tôi có giấy mời đi tiêm vắc xin mũi 2, nhưng tôi đang sống trong khu phong toả, công an họ không cho tôi ra. Tôi cần làm những thủ tục giấy tờ gì để được đi tiêm”.
Cũng liên quan tới việc tiêm vắc xin, bạn đọc ở địa chỉ email thanhhuong.ts…@gmail.com cho hay: “Tôi có hộ khẩu ở Tiền Giang, ra Hà nội đã hơn 2 tháng để chữa bệnh và tiếp tục ở Hà Nội thêm một thời gian nữa. Tôi nghe nói Hà Nội đang hướng tới tiêm vắc xin mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi. Vậy người không có hộ khẩu ở Hà Nội như tôi có được tiêm vắc xin không? Nếu được thì tôi phải làm như thế nào?”
Chào bạn đọc, vấn đề của bạn đọc có địa chỉ ở ngõ Thanh Chương , người trực điện thoại ở tổng đài hỗ trợ về phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội cho hay:
Khu vực phong toả là khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 mức rất cao, phải thực hiện việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chính vì thế, người dân không thể ra khỏi khu vực để ra ngoài đi tiêm vắc xin. Bởi người từ khu vực này khi ra ngoài tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao cho cộng đồng.
Người dân có thể liên hệ với đơn vị liên quan như đơn vị tiếp nhận đăng ký tiêm chủng, bệnh viện để được hoãn lịch tiêm sang thời gian khác.
Người dân Hà Nội đi tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Phạm Hải |
Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9, Hà Nội đang phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”; xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc xin cho 100% người dân.
Mới đây, Bộ Y tế có công điện số 1316/CĐ-BYT của Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP.HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung. Cụ thể: Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 15-9; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Cũng tại công điện này, Bộ Y tế đề nghị 5 tỉnh, thành phố nêu trên hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế trước khi tham gia tiêm chủng; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.
"Riêng tại các khu vực phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng", Bộ Y tế nêu rõ.
Như vậy, Hà Nội đang trong nỗ lực tiêm chủng cho toàn bộ người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn. Người dân Hà Nội có thể đăng ký tiêm vắc xin online hoặc tại phường, xã. Người dân ở tỉnh/thành ngoài sống và làm việc ở Hà Nội cần có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tạm vắng để cấp có thẩm quyền theo dõi, trên cơ sở đó có thể lập danh sách tiêm chủng.
Trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17, quý bạn đọc có những thắc mắc hay chưa nắm rõ những quy định nào trong đời sống, sinh hoạt hãy gọi điện cho báo VietNamNet theo số điện thoại 19001081 từ 8h30-20h hoặc địa chỉ email banthoisu@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ liên lạc với các cơ quan chức năng để trả lời quý bạn đọc đầy đủ và nhanh chóng nhất có thể. |
>>> Xem thêm hỏi đáp Covid-19 mới nhất
Ban Thời sự
Cơ quan ở vùng xanh, đi làm qua vùng đỏ có cần giấy đi đường mẫu mới?
Nhiều bạn đọc nhờ giải đáp về việc di chuyển từ vùng xanh qua vùng đỏ và từ vùng đỏ về quê nhà ở vùng xanh hỏi cần chuẩn bị những giấy tờ, thủ tục như thế nào?