- “Việc Mỹ và Cuba thiết lập quan hệ là một quyết định mà cả Tổng thống Barack Obama lẫn Chủ tịch Raul Castro là những con người quả cảm, vượt qua chính mình, vượt qua các khó khăn nội tại để mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước” – TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao chia sẻ.
>> Mỹ - Cuba: Từ cách mạng 1959 đến ‘Vịnh Con Lợn’
>> Vì sao Hoa Kỳ chỉ chọn cấm vận Cuba?
Ngày 17/12/2014 đã đi vào lịch sử khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro cùng lúc thông báo quyết định hai nước sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là thông điệp không chỉ nhắn gửi đến người dân Mỹ, người dân Cuba, mà còn cho toàn thể thế giới vốn đã mong chờ sự kiện này từ lâu.
Giữa bức tranh đầy mầu xám của cả năm 2014, bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba là một trong những điểm sáng ít ỏi, tạo tia hy vọng cho năm Ất Mùi 2015 sắp tới. Tại sao tuy chỉ là “chuyện riêng” giữa Mỹ và Cuba, nhưng tầm vóc của sự kiện này lại không còn riêng nữa, mà lại mang tầm quốc tế như vậy?
Một cuộc trao đổi tù nhân đã diễn ra trong năm 2014, và sau đó là thông báo Cuba và Mỹ sẽ bình thường hóa quan hệ. Ảnh: Getty |
Có thể trả lời ngay rằng đây là dấu mốc quan trọng tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn các tàn tích của Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây ngót ¼ thế kỷ. Cuộc đối đầu Đông – Tây kết thúc cuối những năm 1980 đã giúp khai thông quan hệ ngoại giao và thiết lập các quan hệ chéo giữa hai bên của “bức tường” cũ mà nay chỉ còn đọng lại trong ký ức của rất ít người. Tuy nhiên, tàn dư của Chiến tranh lạnh là quan hệ “bất bình thường” của Mỹ với hai cựu thù là Cuba và CHDCND Triều Tiên thì vẫn “trơ như đá, vững như đồng”.
Chi tiết các thỏa thuận phía sau không có nhiều vì cả Mỹ và Cuba đều “im hơi, lặng tiếng”, ngoại trừ thỏa thuận trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, chắc chắn đây là các cuộc đàm phán đầy cam go, kéo dài suốt 2 năm qua dưới sự trung gian của Tòa thánh Vatican mà trực tiếp là Giáo Hoàng Francis, cùng Chính phủ Canada và cả hai bên cùng phải vượt qua vô số rào cản cả chủ quan lẫn khách quan. Có ở bên trong, hiểu được nội tình mỗi bên chúng ta mới thấy cả núi khó khăn, mà chỉ có sự kiên trì, quyết tâm và lòng quả cảm của cả Chủ tịch Raul Castro lẫn Tổng thống Obama mới có thể vượt qua và đi đến quyết định lịch sử này.
Mỹ phải đi con đường khác
Về phía Mỹ, như ông Obama phát biểu sau khi công bố quyết định bình thường hóa rằng: Chính sách bao vây cấm vận mà Mỹ đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua đã không phát huy tác dụng, không giúp Mỹ thực hiện được mục tiêu của mình.
Giờ đây Mỹ phải đi theo con đường khác, đó là tìm cách thức hiện mục tiêu thông qua bình thường hóa quan hệ. Mục tiêu của Mỹ mà ông Obama nói tới bao gồm: (i) chuyển hóa chính quyền hiện nay ở Cuba một cách hòa bình; (ii) buộc chính quyền Cuba tôn trọng các “chuẩn mực” quốc tế mà thực chất là chuẩn mực của Mỹ về dân chủ, nhân quyền; (iii) từng bước đưa Cuba hội nhập vào các thiết chế khu vực và tham gia tích cực vào các công việc quốc tế: và (iv) làm sao để Cuba không thách thức trực tiếp Mỹ, các lợi ích của Mỹ và đồng minh.
Ngay từ khi mới lên cầm quyền, ông Obama và chính quyền của mình đã cảm thấy sự lỗi thời và vô lý của chính sách bao vây, cấm vận và cô lập Cuba và tìm cách “Thay đổi theo cách chúng ta muốn” (The Change We Need) như khẩu hiệu tranh cử Tổng thống của mình. Chính sách này có khá nhiều điểm thuận:
Thứ nhất, ngày càng nhiều người Mỹ tán thành việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Ngay cả cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, vốn bao gồm những người chống bình thường hóa mạnh mẽ nhất, giờ cũng bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ. Những người gốc Cuba có học vấn và địa vị cao ngày càng nhìn Cuba gần hơn với con mắt của người Mỹ. Họ nhìn thấy ở Cuba các cơ hội đầu tư, buôn bán, du lịch... đang ngày trôi tuột qua tay.
Thứ hai, ảnh hưởng của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba trong chính sách Cuba của Mỹ vốn giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh lạnh, nay ngày càng thu hẹp, mặc dù chính sách này vẫn bị một thiểu số nhỏ “bắt làm con tin”.
Mỹ đã bình thường hóa với nhiều “cựu thù” như với Liên Xô trước Chiến tranh TG II, với Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh và đang trên đường cải thiện quan hệ với Iran thì càng không lý do để tiếp tục theo đuổi chính sách cô lập Cuba.
Thứ ba, chính sách đối ngoại của Mỹ chịu ảnh hưởng khá lớn của “lý tưởng” và “ý thức hệ” như tự do, dân chủ, nhân quyền, nhưng tính thực dụng mới là yếu tố xuyên suốt. Các cải cách mà Cuba đang theo đuổi kể từ khi ông Raul Castro lên đã tạo ra các cơ hội kinh doanh, thương mại cho các công ty Mỹ. Theo tính toán của Chính quyền Obama, việc tận dụng các khó khăn đối nội và đối ngoại hiện nay của Cuba sẽ giúp chính quyền Mỹ tác động và đạt được hiệu quả chính sách lớn nhất.
Thứ tư, trên quốc tế chính sách cấm vận đối với Cuba ngày càng nhận được nhiều sự chỉ trích. Trong năm năm qua, các Nghị quyết của Liên hợp quốc do chính phủ Cuba bảo trợ lên án chính sách cấm vận đều nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cộng đồng quốc tế và cuộc bỏ phiếu gần đây nhất được 188/193 nước ủng hộ.
Tuy nhiên, do “băng giá” trong quan hệ Mỹ-Cuba bị đông kết quá lâu và có quá nhiều trở lực nên ông Obama phải đi “đường vòng”, dùng cả biện pháp kỹ thuật cũng như tạo tiền lệ mới trong lịch sử ngoại giao Mỹ. Trước hết, đó là việc công bố quyết định bình thường hóa khi Quốc hội Mỹ đang trong kỳ nghỉ đông và trước khi phe Cộng hòa “tiếp quản” Thượng viện, cũng như hai viện của Quốc hội vào ngày 4/1/2015, khiến phe Cộng hòa không thể trở tay. Việc bình thường hóa quan hệ mới chỉ đưa đến việc thiết lập sứ quán tại thủ đô hai nước, chứ hai bên chưa thể tiến cử Đại sứ (do phe Cộng hòa “thề” sẽ phong tỏa) và diễn ra trong bối cảnh lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba vẫn còn nguyên giá trị.
Biết hạn chế như vậy, nhưng nếu ông Obama không “quyết” thì chưa biết bao giờ quan hệ Mỹ- Cuba mới khai thông, nhất là trong bối cảnh Đảng Cộng hòa kiểm soát cả 2 viện và đang “nhắm” đến chiếc ghế Tổng thống. Hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ II có thể không giúp ông Obama có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề đối nội, nhưng về đối ngoại vẫn có thể đưa ra nhiều quyết định “lịch sử”. Lĩnh vực này vừa giúp ông để lại “di sản” vốn chưa có gì nổi bật sau 6 năm cầm quyền, lại vừa chứng tỏ mình “mạnh”, chứ không “yếu” như sự công kích của các đối thủ.
Hai ông Castro và Obama đã khiến giới quan sát ngạc nhiên khi bắt tay nhau tại lễ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 2013. Ảnh: Getty |
Cuba tìm lối thoát
Về phía Cuba, việc đấu tranh với Mỹ tiến tới bình thường hóa quan hệ là mục tiêu mà Chủ tịch Phidel Castro, và nay là Raul Castro theo đuổi. Các tính toán của phía Cuba vào thời điểm này gồm:
Thứ nhất, bình thường hóa quan hệ là bước quan trọng tiến tới việc đưa quan hệ Mỹ-Cuba trở lại bình thường, để từ đó Cuba tiến tới đấu tranh đòi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế hoàn toàn. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam cho Cuba thấy rằng chính bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ giúp Cuba mạnh lên chứ không phải ngược lại và từ đó giúp đấu tranh tốt hơn với Mỹ để bảo vệ chế độ, về các vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Thứ hai, cải cách kinh tế dưới thời Chủ tịch Raul Castro được đẩy mạnh hơn nhiều, nhưng kết quả vẫn hết sức hạn chế. Cuba hiện rất cần các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, ngành du lịch, y tế, giáo dục và điều này chỉ có thể thực hiện khi cấm vận được nới lỏng và hủy bỏ.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, “giá đỡ” toàn diện về kinh tế, chính trị và an ninh của Cuba là Liên Xô, và sau đó chuyển sang Nga và Venezuela khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng nay cả hai trụ cột Nga và Venezuela đều đang đứng trước các khó khăn nghiêm trọng do sụt giảm giá dầu và khủng hoảng kinh tế. Nguồn dầu lửa 100.000 thùng/ngày và trị giá tới 2 tỷ USD/năm được cung cấp “miễn phí” từ Venezuela nhằm giúp cho cỗ máy kinh tế Cuba hoạt động bình thường có nguy cơ bị “khóa van” bất cứ khi nào. Nếu không nhanh chóng tìm ra lối thoát, hậu quả đối với Cuba là điều có thể dự báo trước.
Cuba hy vọng quyết định bình thường hóa quan hệ sẽ giúp tăng cả lượng khách du lịch lẫn doanh thu từ Mỹ so với con số hiện tại là gần 400.000 người và số ngoại tệ thu được trên 1 tỷ USD hàng năm, từ đó giúp bù vào khoản thiếu hụt về kinh tế và tài chính từ Nga và Venezuela.
Một câu hỏi khác đặt ra từ phía Cuba là nếu quyết định này không phải từ Phidel hay Raul thì còn ai hội tụ đủ bản lĩnh, quyết tâm và sức mạnh chính trị để ra quyết định lịch sử này và quan hệ Mỹ-Cuba sẽ đi về đâu?
Lịch sử bình thường hóa các mối quan hệ chính trị quan trọng trên thế giới, như bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung hay Ai Cập-Israel, cho thấy chỉ các nhân vật quyết đoán, có quyền uy trong nội bộ mới đưa và quyết các vấn đề trọng đại.
Nhìn dưới bất kỳ góc độ nào, quyết định này đang và sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả Cuba lẫn Mỹ. Hy vọng rằng sự kiện này sẽ mở đường cho sự tan băng và bình thường hóa hai mối quan hệ song phương quan trọng khác của Mỹ là Mỹ-CHDCND Triều Tiên và Mỹ-Iran.
Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoạigiao)