- “Không còn đất để làm sân chơi trong phố" – đó là câu trả lời dễ nhận ra từ các cán bộ địa phương. Nhưng, thực tế thì không hẳn như vậy...
'Điều bất thường khi Hà Nội vắng bóng trẻ con!' Gần đây, Hà Nội có chút niềm vui khi hay tin xuất hiện một nhóm KTS trẻ Hà Nội tình nguyện làm ra những sân chơi miễn phí cho trẻ em ở Thủ đô và nhiều nơi khác, nhóm có tên “Think Playgrounds". |
Chỉ khi chơi mới xuất hiện sáng tạo
Ông Federico Mayor - TGĐ UNESCO giai đoạn 1987 – 1999 từng nói: “Con người chỉ thực sự là chính mình khi chơi, chỉ trong khi chơi mới xuất hiện sáng tạo".
Chúng ta đang lo lắng khi con cháu đang được chăm sóc bằng cách cho ăn uống nhiều hơn nhưng lại ít cơ hội vận động hơn nên dễ thành lười biếng, trầm cảm, cục cằn đôi khi thiếu trí tưởng tượng. Những con số thống kê về trẻ tự kỷ/cận thị/béo phì/nhiễu rối tâm lý... đang làm ta thêm e ngại.
Cậu bé Vientiane (Lào)và những quả khế (ảnh ngoài cùng bên trái) - Trong sân trường cỏ dại (ảnh giữa, trên) - Chơi hoa giấy trong vườn chùa tại Luang Praban (ảnh giữa, dưới) - Một cậu bé đang tập leo núi dưới chân tượng đài trên quảng trường tại Gothenburg (Thụy Điển) - (ảnh ngoài cùng bên phải) |
Nhân những ngày nghỉ, người ta hối hả đưa trẻ đi đây đó và tin tức về cơn cuồng “du lịch hành xác" hiện nhiều hơn trên báo chí.
Tội nghiệp hơn, khi không có điều kiện, chúng ta bằng lòng xem cảnh con của các ông bà diễn viên, đóng vai chơi vui trên TV. Thay chơi điện tử trên Ipad, điện thoại, trẻ em được xem trẻ em diễn cảnh chơi trên màn hình để bớt cơn thèm được đùa chơi với nhau thực sự.
Con trẻ có cần nhiều lắm không? Sân chơi cho trẻ có quá xa xỉ trong những thành phố đông dân, còn những dự án đầu tư hạ tầng đô thị thiết yếu thường xuyên lỗi hẹn và thiếu hụt.
Trong nghiên cứu về Hà Nội (Sociable Space in a City of Life – the Case of Hanoi 2004), hai tác giả người Thụy Điển Mikael Backmans và Maria Rundqvist đưa ra những ví dụ về trẻ em với sân chơi tại châu Á và châu Âu: Nếu như cậu bé Lào đủ can đảm trèo lên cây cao, hái những quả khế ngọt hôm nay thì ngày mai nó sẽ coi việc chinh phục những đỉnh núi cao là việc bình thường, cậu bé Thụy Điển cũng vậy khi loay hoay tìm cách leo cao lên tượng đài.
Trong sân ngôi trường cũ còn sót lại một khung gỗ, những đứa trẻ thương lượng với nhau để đủ chỗ ngồi, chắc hẳn khi lớn lên, chúng sẽ biết chia sẻ không gian đủ sống trên thế gian, mà không cần “tranh cướp có văn hóa “tại những dịp lễ hội ồn ào'.
Bên sân chùa, hai cậu bé đang tết vòng từ các bông hoa giấy, chúng lớn lên giữa thiên nhiên để biết yêu cây, hoa, cuộc sống, con người, yêu nơi chốn mà chúng đã trải qua tuổi thơ giản đơn và sang trọng.
Khắp nơi nơi có thể làm sân chơi cho con trẻ
“Phần lớn sự vui chơi và giao lưu xã hội của trẻ em diễn ra tại những nơi công cộng gần nhà, các không gian công cộng ngoài trời gần nơi ở của trẻ em là một vấn đề trọng yếu” (Quy hoạch gia Kevin Lynch, UNESCO).
Nhưng, vấn đề là tìm đâu ra không gian trống để làm sân chơi ngay trong khu dân cư, khi từng tấc đất đều quy ra vàng và những nhà quản lý thì thường trực với câu trả lời “không còn quỹ đất ?!”.
Một vỉa hè mới lát xong, phía cuối thi công dang dở, một chiếc ô tô đã chiếm chỗ đỗ vào sân chơi cạnh vườn cây. |
Phương án đặt sân chơi, giành lại không gian cho trẻ em do KTS Bùi Thế Trung Nguyễn Văn Hạnh đề xuất. |
Nhưng nếu một ngày đẹp trời, bình tĩnh đi một vòng quanh khu vực sinh sống của mình, quý vị sẽ nhận ra nhiều địa điểm không ngờ: một bãi tập kết phế thải tự phát?; Một bãi đỗ ô tô, xe máy đang chình ình trên đất công hay đất tư?; Một khu đất rào kín chờ đấu giá (nhưng cũng có thể chờ 5-10 năm hoặc lâu hơn?), thậm chí nơi vốn là sân chơi đã bị sử dụng sai mục đích.
Tại quận Thanh Xuân, các ông bà trong CLB Sống Xanh đã bàn bạc với ông Bí thư chi bộ khu dân cư về việc tận dụng một diện tích vỉa hè (trong dự án giao thông dang dở nhiều năm) để đặt đồ chơi và khoanh vùng an toàn cho trẻ chơi vui trong dịp Hè.
Khi nào dự án hoàn thành, đồ chơi sẽ lại di chuyển tới địa điểm khác. Điều đáng chú ý là nếu không đặt đồ chơi thì chỉ sau một đêm, ô tô cá nhân sẽ đậu kín chỗ này.
Một khoảng trống ven hồ đang bị chiếm dụng bán giải khát và để xe máy.
|
Chỉ cần một sợi dây cáp, hai lõi cáp gỗ sẽ biến hình thành sân chơi đu dây náo nhiệt (Phương án do KTS Bùi Thế Trung Nguyễn Văn Hạnh đề xuất) |
Tại quận Hoàng Mai, các chị trong Hội Phụ nữ đã báo cáo với ông Chủ tịch phường về việc để đặt đồ chơi và khoanh vùng an toàn cho trẻ chơi vui dưới bóng cây xanh mát trên ven hồ, vì nếu không là sân chơi thì chỗ này cũng chỉ để bán giải khát và đỗ xe máy bừa bãi .
Tại quận Ba Đình, sân chung KTT bị một gia đình chiếm làm nơi bán phở. Bà con thương lượng để dành lại chỗ trống, đặt vài món đồ chơi làm từ đồ phế thải, chi phí rẻ hơn một bữa liên hoan, làm bằng tiền đóng góp của các cụ hưu trí, ấy vậy mà mỗi ngày vài chục đứa trẻ được đùa chơi mãn nguyện lắm.
|
Góc sân chung cư phường Ngọc Khánh (Q. Ba Đình) và sân chơi di động trên phố đi bộ Đào Duy Từ (Q.Hoàn Kiếm – Hà Nội) - Phương án do nhóm think Playground đề xuất |
Hết giờ, đồ chơi được xếp gọn để hẹn tuần sau lại bầy ra, đồ chơi bằng tre, gỗ, cao su lắp ghép..., vậy mà mỗi tối hàng trăm đứa trẻ dưới 8 tuổi được vui chơi rất hào hứng.
Hà Nội mới đầu hè đã nhiều chuyện nhức nhối thiếu chỗ chơi, có cả chuyện trèo rào vào công viên nước để tranh nhau chơi, chơi nhem nhuốc, 'làm xấu đi hình ảnh Thủ đô'...
Hay là bà con ta lập lại kỳ tích “làm đẹp hình ảnh Thủ đô” bằng cách chung tay làm ra hàng trăm, hàng nghìn cái sân chơi be bé cho con trẻ, để Hà Nội ta trở thành Thành phố có nhiều sân chơi cho trẻ con nhất thế giới, nếu được vậy thì còn gì Hạnh phúc – Tự hào hơn?
'Điều bất thường khi Hà Nội vắng bóng trẻ con!' Gần đây, Hà Nội có chút niềm vui khi hay tin xuất hiện một nhóm KTS trẻ Hà Nội tình nguyện làm ra những sân chơi miễn phí cho trẻ em ở Thủ đô và nhiều nơi khác, nhóm có tên “Think Playgrounds". |
KTS Trần Huy Ánh
(Ảnh minh họa trích “Sociable Space in a City of Life – the Case of Hanoi 2004” và Hanoidata ST&BT)