Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã phê duyệt khoản vay trị giá 705 triệu USD để xây dựng đảo “Công chúa Elisabeth”. Đây là đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới sản xuất điện. Elia Group, công ty điều hành lưới điện cao thế của Bỉ sẽ thực hiện dự án này.
Đảo này được xây dựng ở ngoài khơi Ostend, cách thành phố khoảng 45km từ năm 2024-2027. Những nền móng đầu tiên đang được xây dựng tại Hà Lan, trước khi thả xuống biển và được lấp đầy bằng cát.
Đây cũng là hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới có cả cơ sở hạ tầng dòng điện một chiều cao thế (HVDC) và dòng điện xoay chiều (HVAC).
Hòn đảo này sẽ giảm sự phụ thuộc của Bỉ vào nhiên liệu hóa thạch và cung cấp điện sạch với giá cả phải chăng hơn. Đồng thời đóng góp đáng kể giúp Liên minh châu Âu đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và trung hòa khí hậu.
Theo Elia Group, ngoài phát triển điện gió ngoài khơi của Bỉ, đảo này cũng là trung chuyển kết nối bổ sung nguồn điện giữa Bỉ và các nước láng giềng. Một yếu tố quan trọng là dự án thiết kế thân thiện với môi trường, thúc đẩy đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh vật biển, giải pháp năng lượng bền vững.
Robert de Groot, Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cho biết, dự án là nền tảng tăng cường an ninh năng lượng và sự độc lập của Bỉ và Châu Âu. Sáng kiến này không chỉ củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng của Bỉ mà còn thúc đẩy mối liên kết quan trọng với các nước láng giềng, qua đó thúc đẩy tăng cường hợp tác khu vực.
Theo Catherine Vandenborre, quyền tổng giám đốc điều hành của Elia, hòn đảo năng lượng nhân tạo giúp châu Âu đi đầu trong đổi mới, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
(Theo IE)