Dưới đây là đáp án trắc nghiệm "Trong lịch sử phong kiến, những điều ác nào bị trừng phạt nặng nề?".

Câu 1: Bộ luật Hình Thư, bộ luật đầu tiên của nước Việt ta cũng được hoàn thiện dưới triều đại của Lý Nhân Tông. Hình Thư quy định bao nhiêu điều ác bị trừng phạt nặng nề?

Đáp án đúng là 10 điều.

Năm 1042, Lý Thái Tông sai trung thư san định luật lệ, chấn chỉnh cho thích ứng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản thành sách Hình thư của một triều đại.

Ngay sau khi ban hành luật, nhà Lý cho ban hành thể lệ chuộc tội: những người già trên 70 tuổi, trẻ con dưới 15 tuổi, người có nhược tật, những người họ nhà vua và người có công nếu phạm tội có thể chuộc tội bằng tiền, trừ khi người đó phạm phải những tội trong thập ác:

1. Mưu phản: làm nguy xã tắc

2. Mưu đại nghịch: làm nguy tông miếu, cung khuyết

3. Mưu bạn nghịch: nổi loạn theo giặc

4. Ác nghịch: đánh giết ông bà cha mẹ

5. Bất đạo: giết người vô tội

6. Đại bất kính: dùng những đồ dành riêng cho vua, trộm và giả mạo ấn vua

7. Bất hiếu: mắng chửi hay không để tang ông bà cha mẹ

8. Bất mục: đánh giết những người thân thuộc gần

9. Bất nghĩa: dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng, con giết cha

10. Nội loạn: thông dâm với họ hàng thân thiết, thiếp của ông hay cha

Năm 1071, triều đình bổ sung thêm quy định về chuộc tội: tùy theo tội nặng nhẹ thì nộp tiền với mức độ nhiều ít khác nhau.

Người phạm tội ăn trộm sẽ bị chặt hết ngón chân, ngón tay. Năm 1043, Lý Thái Tông đặt thêm quy định: ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu. Quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trường và thích 30 chữ.

Việc ra đời của Hình thư cũng như các cơ quan Bộ Hình và Thẩm hình được xem là bước tiến trong việc tổ chức quản lý của nhà nước thời Lý, tuy hiệu lực vẫn còn hạn chế.

Câu 2: Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chính được chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời vua Lê Thái Tông. Đó là vụ án nào?

Đáp án đúng là: Vụ án Nguyễn Thị Ngọc tư thông với Nguyễn Chiếm.

{keywords}

Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chính được chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời vua Lê Thái Tông: “Người đàn bà ở xã Thương Xá, lộ Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội – người dẫn chú) là Nguyễn Thị Ngọc đã có 8 con với chồng. Chồng bị bệnh hủi, Nguyễn Thị Ngọc không cứu chữa nuôi nấng, mà còn lấy trộm tài sản của chồng, tư thông với khố giám là Nguyễn Chiếm để mưu lấy chồng khác” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Với trường hợp này, Nguyễn Thị Ngọc sau đó đã “bị xử giảo”, tức là xử thắt cổ cho chết.

Xem trong Hồng Đức thiện chính thư (Những chính sách tốt thời Hồng Đức), thì tội của Thị Ngọc ứng với tội “Thông dâm với chồng người”, trong đó “… Người đàn bà bị phạt đánh 50 roi, điền sản trả lại cho người chồng”.

Tuy nhiên, Thị Ngọc không chỉ phạm tội ngoại tình, mà còn hắt hủi người chồng bị bạo bệnh, lấy cắp tài sản của chồng, nên ứng với tội “Đàn bà ngoại tình”, tội này bị “xử giảo, phạt 80 roi, điền sản trả lại cho người chồng, theo luật thi hành không thể tha thứ”.

Câu 3: Thất trảm sớ là tờ sớ được dâng lên vua Trần Dụ Tông để đề nghị chém 7 người được cho là nịnh thần. Tờ sớ này do ai soạn?

Đáp án đúng là: Chu Văn An.

Thất trảm sớ là tờ sớ do Chu Văn An soạn và dâng lên vua Trần Dụ Tông để đề nghị chém 7 người mà ông cho là nịnh thần (Mai Thọ Đức, Trâu Canh, Bùi Khâm, Văn Hiến, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu, Đoàn Nhữ Cẩu).

Ban đầu, Dụ Tông còn ít tuổi, có thượng hoàng Trần Minh Tông lo việc triều chính. Sau khi thượng hoàng Minh Tông mất (1357), Dụ Tông tự mình cầm quyền chính. Nhưng Dụ Tông không có tài trị nước.

Trong thời gian Trần Dụ Tông trực tiếp cầm quyền trị vì, tình cảnh xã hội rất nhiễu nhương. Dụ Tông là người ăn chơi thích tửu sắc hát xướng. Cận thần nhiều người bất tài, lo bế vua để lộng hành. Dân tình đói khổ. Nhiều trung thần nghĩa sĩ bị làm hại. Các quan ngự sử vốn chuyên lo việc can ngăn vua nhưng cũng không làm theo.

Chu Văn An vốn là người thẳng thắn ngạch trực, có uy tín cao trong triều. Ông đã dũng cảm dâng sớ xin chém bảy nịnh thần. Sớ thất trảm ấy bị thất truyền, không rõ nội dung như thế nào; ngay đương thời cũng ít người được biết ông đã xin chém những ai. Nhưng tờ sớ đă gây chấn động dư luận.

Do Thất trảm sớ không được thực hiện, Chu Văn An đã lui về ở ẩn tại tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương.

{keywords}

Câu 4: Vụ án "mưu phản" nào mà tội phạm "nên xử trảm" nhưng lại chỉ bị lưu đày?

Đáp án đúng là Lê Văn Thịnh.

Lê Văn Thịnh (11/2/1050 - ?[1]), là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam, được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý.

Năm Ất Hợi (1095) xảy ra "vụ án hồ Dâm Đàm". Sau đó (1096), ông bị đày đi Thao Giang (thuộc Tam Nông, Vĩnh Phú ngày nay). Lê Văn Thịnh mất năm nào không rõ.

Sách Đại Việt sử lược ra đời vào thời Trần, kể lại vụ án hồ Dâm Đàm như sau: "Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm. Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang...".

Sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư ra đời vào thời Hậu Lê, kể lại vụ án như sau: "Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang...".

Vụ án trên, lâu nay người ta đã bàn nhiều. Tuy chưa thống nhất được nguyên nhân, nhưng có một điểm chung là Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị hàm oan.

Câu 5: Vị công thần nào phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ?

Đáp án đúng là: Trần Nguyên Hãn. 

Trần Nguyên Hãn (?-1429) là võ tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê. 

Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhận thấy triều đình bắt đầu xuất hiện những tranh chấp, mưu hại lẫn nhau giữa các thế lực phong kiến, đầu năm 1429, Trần Nguyên Hãn xin về ở ẩn. Lê Lợi đồng ý nhưng dặn rằng cứ một năm hai lần phải vào triều chầu vua.

Sau khi về quê, ông cho dựng phủ lớn, đóng thuyền to. Những kẻ ghen ghét thừa cơ buông lời xúi giục nhà vua. Ông bị quy kết lộng hành và có âm mưu phản nghịch, Lê Lợi ra lệnh cho 42 lực sĩ xá nhân đến bắt ông về triều xét hỏi.

Trên đường lên kinh thành, ông tự trầm mình xuống bến Đông Hồ trên dòng sông Lô. Trước khi chết, ông nói: "Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho".

Sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt vợ con ông về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu. Mãi đến năm 1455, nhận thấy ông bị oan trái, vua Lê Nhân Tông mới ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là "Phúc thần". 

Phương Chi