- Nghị định 01 cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay trong thời gian từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/1/2008 được hợp thức hóa và được cấp giấy chứng nhận (hay còn gọi là “sổ đỏ”).

Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định, đây là nghị định được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu trên cơ sở rà soát, tổng hợp những bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành luật đất đai tại các bộ, ngành, địa phương trong hơn 2 năm qua.

{keywords}

Nếu như Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 không quy định cụ thể việc tách thửa đối với đất nông nghiệp khiến việc tách thửa đất nông nghiệp bị tắc từ đó đến nay, thì Nghị định 01 đã giao về cho các địa phương tự quyết theo điều kiện thực tế của mình.

Theo đó, Nghị định 01 cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/1/2008 được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận hay còn gọi là “sổ đỏ”. Trước đây, những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đến trước ngày 1/7/2004 mới được cấp giấy chứng nhận.

Thay đổi trên đã giúp rất nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay được hợp thức hóa.

Xét riêng tại TP.HCM, theo thống kê, trong số hơn 30.000 trường hợp không được cấp giấy chứng nhận thì có đến 70% hồ sơ liên quan đến vấn đề mua bán nhà đất bằng giấy tay.

Không chỉ thế, Nghị định 01 lần này cũng cho phép Sở Tài nguyên & Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận trong trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận…

Còn theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội), quận, huyện là nơi có trách nhiệm kiểm tra, ký cấp sổ đỏ cho những thửa đất mua bán bằng giấy tờ viết tay. Theo đó, quận, huyện phải xác minh tình trạng của những thửa đất trên sau đó gửi cho văn phòng đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai chỉ có trách nhiệm in thông tin trên phôi sổ đỏ và gửi lại cho quận, huyện ký cấp cho người dân. Điều kiện để cấp sổ đỏ là nhà, đất đó hiện sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo yêu cầu về công khai, minh bạch, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Một trong những nội dung được rất nhiều ý kiến hoan nghênh là việc rút ngắn thủ tục hành chính trong Nghị định 01. Theo nội dung này, đa số thủ tục được rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước đây.

Chẳng hạn, thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa 15 ngày so với quy định cũ 30 ngày; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản... thực hiện không quá 10 ngày so với quy định hiện hành không quá 15 ngày; cấp lại “sổ đỏ” bị mất không quá 10 ngày so với quy định hiện nay không quá 30 ngày; giảm tối đa 15 ngày xuống còn 10 ngày với thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính...

Hạnh Nguyên