- Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Theo cơ chế phân cấp hiện nay trong luật định, tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó quyết định và phải chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh điều đó chương trình Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet vừa diễn ra.

Chương trình có chủ đề: "Nhìn lại lỗ hổng trong quản lý đất công, làm sao tránh thất thoát".

Khách mời tham gia bao gồm:

Ông NGUYỄN TÂN THỊNH - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài Chính.

PGS. TS NGÔ TRÍ LONG - Chuyên gia Kinh tế

Ông LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh

XEM VIDEO PHẦN I TALKSHOW BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN TẠI LINK SAU: 

Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai

Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai

Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Đây có thể nói là một tệ nạn quốc gia, sờ đâu sai đó.

 

DƯỚI ĐÂY LÀ BẢN TEXT CỦA CHƯƠNG TRÌNH TALKSHOW PHẦN I:

Nhà báo Phạm Huyền: Mở đầu chương trình, xin được dành câu hỏi đầu tiên cho đại diện cơ quan quản lý Nhà nước. Thưa Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, ông Nguyễn Tân Thịnh, ông có thể cho biết đất công nói chung và đất công sản nói riêng hiện nay đang được quản lý theo cơ chế như thế nào?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Theo Hiến pháp 2013, đất đai là một trong những tài sản công. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai nói chung như thế nào đã  được quy định cụ thể trong Luật Đất đai và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành (do Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì soạn thảo-PV).

{keywords}
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính: "Cấp nào quản lý, cấp ấy chịu trách nhiệm" (ảnh: Lê Anh Dũng)

Do vậy, trong Luật về tài sản công thì chỉ xác định đất đai là 1 loại tài sản công nhưng trong Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung trong quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và những hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai.

Riêng đất đai ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội thì thuộc đối tượng của Luật Quản lý sử dụng tài sản công (Do Cục Quản lý tài sản công, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, được Quốc hội thông qua, ban hành ngày 21/6/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2018- PV).

Luật quy định rất rõ quy trình quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối đối với các loại tài sản công này theo hướng phân định tài sản do trung ương quản lý và tài sản do địa phương quản lý. Tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan.

Nhà báo Phạm Huyền: Đầu năm nay, vụ việc nổi cộm khiến dư luận xôn xao là vụ việc vi phạm trong mua bán nhà đất công sản của đối tượng Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm tại Đà Nẵng. Đây phải chăng là điển hình cho những sai phạm trong việc sử dụng đất công?Xin PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ ý kiến của mình?

PGS. TS Ngô Trí Long: Thất thoát, lãng phí, tham nhũng đất đai trong thời gian qua, ta thấy sờ đâu sai đấy. Điển hình là vụ việc của Phan Văn Anh Vũ  (tức Vũ Nhôm, hiện đang bị cơ quan chức năng tạm giam 4 tháng và đang điều tra.

Tôi cho rằng, đây là một vụ án nổi cộm, đặc trưng tiêu biểu nhất của một vụ án tham nhũng, lãng phí đất đai. Công luận cũng đang chờ đợi kết quả đó và chờ đợi những biện pháp xử lý nghiêm minh, lấy lại lòng tin của người dân.

{keywords}
Chương trình Bàn tròn trực tuyến về lỗ hổng quản lý đất công

Nhà báo Phạm Huyền: Có lẽ câu chuyện này sẽ đụng chạm đến các doanh nghiệp bất động sản và người dân thì có quyền nghĩ rằng doanh nghiệp bất động sản lợi dụng cơ chế xin cho, quan hệ thân hữu để bắt tay với những người có chức vụ, quyền hạn, biến những mảnh đất công thành đất tư hay mua đất công với giá rẻ mạt.

Thưa ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp HCM, ông nghĩ như thế nào về những lời bình luận này?

Ông Lê Hoàng Châu: Công luận có quyền đặt ra vấn đề này nhưng trên thực tế đa số các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản để có quỹ đất phát triển dự án, đều phải tự mình phải đi bồi thường giải phóng mặt bằng đất đai của người dân theo giá thị trường hay theo thỏa thuận.

Tôi cho rằng, chỉ có một số chủ đầu tư sử dụng những phương thức như chủ nghĩa tư bản thân hữu, đó là các nhóm lợi ích để cấu kết với những người có chức vụ, quyền hạn để có những mặt bằng thuộc về tài sản công.

Việc này diễn ra trong quá trình sắp xếp lại các mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước hoặc trong quá trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong thành phố ra các khu công nghiệp. Các nhà đầu tư này khi mua lại các mặt bằng đó thường tác động để được mua bằng phương thức chỉ định thầu.

Và chúng ta thấy rằng, phương thức chỉ định nhà đầu tư sẽ không minh bạch về giá. Kết quả thực tế qua thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính năm 2017 đã chỉ ra, có khoảng  60 mặt bằng dự án có dấu hiệu không minh bạch giá cả khi thực hiện bán chỉ định hoặc khi chúng ta thực hiện phương thức  cổ phần hóa thì có dấu hiệu định giá thấp hơn giá thị trường.

Do vậy, Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ lên Chính phủ để đề nghị chuyển qua cơ quan thanh tra làm rõ.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, chỉ có một bộ phận không nhiều những nhà đầu tư sử dụng mối quan hệ thân hữu với nhóm lợi ích để có được những quỹ đất lợi thế với giá rẻ. Điều này đã được công luận phát hiện và đang được các cơ quan chức năng, các cơ quan điều tra làm rõ.

Chúng ta không nên nhìn các doanh nghiệp bất động sản là cá mè một lứa như vậy mà đa phần những doanh nghiệp đang làm ăn chân chính, chỉ có một số ít là thực hiện phương thức này.

Nhà báo Phạm Huyền: Năm 2017, Bộ Tài chính đã có những kiến nghị liên quan đến việc thanh tra 60 dự án đất vàng với những dấu hiệu cho thấy là gây thất thoát ngân sách.

Đầu năm 2018, trên các phương tiện truyền thông rộ lên thông tin về kết quả thanh tra dự án đất ở số 8- 12 Lê Duẩn, TP Hồ Chí Minh. Khi đó cơ quan thanh tra chỉ ra rằng, cơ quan ở địa phương xác định đơn giá chỉ có 176 triệu đồng/1m2, trong khi đó thực tế giá thị trường là hơn 400 triệu đồng/1m2. Như vậy, nếu mảnh đất đó được định giá đúng theo thị trường thì Nhà nước phải thu về hơn 2.000 tỷ đồng.

Thưa ông Nguyễn Tân Thịnh, vậy xin ông cho biết, hiện nay với cơ chế định giá, cơ chế quản lý như vậy thì sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc quản lý đất công dẫn tới có dấu hiệu thất thoát ngân sách như thế nào?

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản ông Nguyễn Tân Thịnh và nhà báo Phạm Huyền

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Hiện nay, theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và trong các văn bản của Chính phủ quy định, đối với nhà, đất của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện việc bán, chuyển nhượng thông qua việc sắp xếp lại nhà, đất hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, khi xác định giá đất, dù là trong trường hợp đấu giá hoặc chỉ định thì đều phải sát với giá thị trường. Còn giá trị tài sản gắn liền với đất đó, phải được xác định phù hợp với giá trị đánh giá lại của tài sản.

Để làm việc này, đơn vị có tài sản bán, chuyển nhượng phải thuê một tổ chức thẩm định giá được cơ quan có thầm quyền cho phép hoạt động để xác định giá đó theo giá thị trường, sau đó, trình cho cơ quan chủ trì thẩm định, báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định.

Đối với nhà đất của các cơ quan đơn vị Trung ương cũng như địa phương thì UBND các tỉnh đều quyết định giá đất vì theo Luật Đất đai, thẩm quyền quyết định giá đất là của UBND cấp tỉnh. Ở đây, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chỉ quy định quy trình nguyên tắc xác định như thế nào. Còn việc xác định giá đất cụ thể, thẩm định thì lại phải căn cứ vào quy định của Luật Đất đai liên quan đến xác định giá đất và các quy định về thẩm định giá tài sản.

PGS. TS Ngô Trí Long: Lỗ hổng lớn nhất trong quá trình chuyển nhượng, mua bán đất đai là vấn đề định giá đất. Ta biết thường là không thông qua hình thức đấu thầu hoặc có thể thông qua hình thức giao, chỉ định, cũng có nghĩa là người ta dựa trên cơ sở quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm bằng cách này, cách khác.

Hiện nay, một cách làm giàu nhanh chóng là bằng các nguồn lực đất đai. Có những ngành bên bờ vực phá sản nhưng được một cơ chế, có quan hệ thân hữu, người ta sẽ cung cấp cho một mảnh đất công mà không thông qua đấu giá hoăc không thông qua sử dụng các phương pháp mà nhà nước quy định, chúng ta sẽ thấy gây thất thoát rất lớn.

Luật Đất đai cũng đã nói rõ là luôn luôn định giá đất theo giá thị trường, thường có 3 phương pháp định giá phổ biến gồm: so sánh, thu nhập và chiết trừ. Bên cạnh đó, phải dùng phương pháp đấu thầu.

Tuy nhiên, những phương pháp định giá hiện nay được nêu trong Nghị định của Chính phủ thì phần lớn là có tính chất lý thuyết, không áp dụng được vào.

Phải chăng, để giải quyết vấn đề giá đất phải sát thị trường hơn, nên giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm về xây dựng phương pháp định giá để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Phải chăng Bộ Tài chính có chức năng quản lý nhà nước về giá thì nên đưa về Bộ Tài chính và giao cho Cục Quản lý công sản?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Hiện nay, ở Bộ Tài chính, chức năng quản lý nhà nước đối với tài sản công được Bộ trưởng giao cho Cục Quản lý công sản. Còn chức năng thực hiện quản lý nhà nước về giá là giao cho Cục Quản lý giá.

Trước khi chuyển nhiệm vụ định giá đất sang Bộ Tài nguyên và môi trường thì Cục Quản lý giá là đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện việc này.

{keywords}
Ông Lê Hoàng Châu và PGS.TS Ngô Trí Long

Nhà báo Phạm Huyền: Với tư cách là một người dân thì tôi nghĩ rằng, dù là Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Tài chính định giá đất, người dân chỉ mong muốn giá đó làm sao vừa không thất thoát ngân sách, vừa phù hợp sức của doanh nghiệp, của dân.

Có băn khoăn như sau, thông thường các doanh nghiệp muốn giá thấp để mình nộp thuế ít, nhưng nếu như thế thì ngân sách nhà nước lại thất thu. Trong khi đó bản chất bán ra thị trường dưới dạng nhà ở thương mại, người dân vẫn phải mua theo giá thị trường, nghĩa là dân cũng không được hưởng lợi gì nhiều từ việc các tỉnh, thành định giá đất cấp. Ông có cảm nhận như thế nào về câu chuyện này, thưa ông Lê Hoàng Châu?

Ông Lê Hoàng Châu: Vấn đề quan trọng là người thực thi như thế nào. Bởi vì chúng ta biết rằng trước năm 2013, Luật Đất đai quy định, ngành tài chính chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác phát định giá, trong đó có công tác giá đất.

Nhưng rất tiếc là cơ chế này tới Luật đất đai 2013 lại được tách ra làm hai. Công tác phát định giá đất lại giao cho ngành tài nguyên và môi trường và công tác thẩm định giá đất là thuộc ngành tài chính, trực tiếp là Sở Tài chính của địa phương là thường trực của cơ quan thẩm định giá đất của thành phố. Cho nên, nó chồng chéo nhau. Như vậy quy trình hành chính về giá đất lại tăng thêm và rối rắm.

Chúng tôi đơn cử một chuyện, như ý PGS.Ts Ngô Trí Long nói đúng là người ta muốn giá đất phải phù hợp giá thị trường, nhưng bây giờ trong Luật Đất đai quy định giá đất ở các dự án phải là giá đất cụ thể. Giá đất cụ thể đó khi tính toán trong đấu giá thì sẽ là giá khởi điểm của đấu giá. Vậy xin hỏi, công tác xác định giá cụ thể này làm có khách quan vô tư không, có ẩn khuất những lợi ích riêng không?

Một trường hợp đấu giá thành công ở TP Hồ Chí Minh là đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn. Mặt bằng đó được đấu giá quốc tế. Giá khởi điểm đấu giá là 550 tỷ đồng và được đấu giá thành công 1.460 tỷ đồng, tăng 2,6 lần.

Như vậy, có thể thấy, đấu giá công khai rộng rãi là phương pháp tốt nhất để không thất thoát tài sản đất công nhưng qua đó, lại cho thấy vậy việc định giá đưa ra đấu giá đó liệu có phù hợp với tiêu chí hay chưa?

Thử hỏi, nếu xác định giá cụ thể theo mọi phương pháp Nhà nước quy định thì tại sao lại đưa ra giá khởi điểm chỉ 550 tỷ đồng, giá thành công là 1.460 tỷ đồng. Rõ ràng đây là một sự khác biệt.

Ở đây chúng tôi muốn đề cập tới việc xác định giá đất cụ thể vẫn còn là một bài toán khó.

Thứ nhất, chúng tôi ủng hộ cách làm đấu giá công khai các mặt bằng đất công, kể cả trong chuyện sắp xếp lại mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước kể cả trong quá trình cổ phần hóa…Chúng tôi ủng hộ hướng thay đổi của Luật đất đai là giao cho ngành tài chính là cơ quan quản lý nhà nước  thống nhất quản lý vấn đề giá, không tách ra hai bên.

Thứ hai, tôi xin đề nghị, sửa Luật đất đai theo hướng bãi bỏ việc Chính phủ ban hành khung giá đất và giao toàn quyền việc ban hành bảng giá đất dưới hệ số K điều chỉnh hàng năm cho chính quyền địa phương quyết định.

Ở đây, điều mà chúng ta thấy thất thoát trong quản lý đất công còn là ẩn khuất trong đó đạo đức của cán bộ công chức làm những công việc này.

Những người làm công việc xác định giá đất, làm thẩm định giá đất, trực tiếp làm công tác đấu giá, ký duyệt các quyết định đó…nếu bị sai lệch, nếu mặt đạo đức không đảm bảo, không đặt ích của đất nước, của người dân lên trên thì chắc chắn sẽ có những trường hợp tương tự như ở Đà Nẵng. 

{keywords}
Đất công bán rẻ: Cấp nào quản lý, cấp ấy phải chịu trách nhiệm

PGS. TS Ngô Trí Long: Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm, cũng từng dẫn đầu đoàn đi Singapore học định giá đất, tôi thấy với những phương pháp tính thông số đầu ra và những thông số đầu vào ở việc xác định giá đất hiện nay là không có khả năng tính được. Cho nên theo tôi, cách tốt nhất với Việt Nam là tổ chức đấu thầu, đấu giá.

Thực tế hiện nay, bảng giá đất của các địa phương ban hành hoàn toàn thấp xa so với giá thị trường. Thường họ tính thấp xa ít nhất từ 20-40 % so với giá thị trường, cho nên cần phải xem xét lại việc này.

Lỗ hổng ở chỗ đó và pháp luật có khiếm khuyết đó thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhân nói câu chuyện về bất cập khi định giá đất, xin được chia sẻ cùng ông Nguyễn Tân Thịnh, tất cả những bất cập mà hai khách mời ở đây phân tích sẽ ảnh hưởng thế nào tới lĩnh vực quản ý và sử dụng các tài sản công, đặc biệt là những nguồn lực như đất, nhà công sản dôi dư được bán ra ngoài?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Tôi đồng tình với hai vị khách mời là giá đất là quan trọng nhất để chúng ta thực hiện việc chống thất thoát, lãng phí trong việc bán, chuyển nhượng đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Nếu chúng ta định giá đất đó đó sát thị trường và công khai minh bạch thông qua việc đấu giá nhà đất đó sẽ chống hiện tượng xảy ra trong thời gian qua.

Do vậy, những ý kiến của hai chuyên gia sẽ có tác động rất lớn tới công tác quản lý tài sản công của chúng tôi.

Theo Luật mới, tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp phải xác định giá trị sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của đơn vị. Phải ghi nhận tài sản đó ở trên sổ của đơn vị, mà đã vào sổ thì việc bán hay làm gì phải có lý do.

Đồng thời, các đơn vị phải đăng nhập nhà, đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Nếu định giá như vậy sẽ tác động rất lớn đến quá trình chuyển đổi các bộ phận nhà đất dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng cho các hoạt động của nhà nước khi chuyển nhượng ra thị trường.

Nhà báo Phạm Huyền: Hiện nay, trong việc sắp xếp lại đất công, nhà công, phần dôi dư hiện nay đang ở mức  độ nào? Nếu chúng ta sử dụng, bán hiệu quả mang nguồn thu lớn như thế nào cho ngân sách nhà nước?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Hiện nay, khu vực hành chính sự nghiệp của chúng ta có khoảng hơn 200 nghìn cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất khoảng 2.605 triệu m2, diện tích nhà 142 triệu m2.  Đây là nhà đất trong đơn vị hành chính sự nghiệp nên mục đích chính là để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, có yếu tố do quá trình lịch sử để lại, quá trình biến động về tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nên xuất hiện một bộ phận nhà đất dôi dư. Sau khi xếp lại theo tiêu chuẩn, định mức thì dư ra quỹ nhà đất nào đó để chúng ta thực hiện việc bố trí cho cơ quan khác sử dụng, ưu tiên bố trí cho cơ quan nhà nước. Nếu không bố trí được thì sẽ có cơ chế khác để khai thác.

Hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định 167 về sắp xếp, xử lý đối với tài sản công theo luật mới. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổng rà soát lại quỹ nhà đất của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Đợt này quy định các doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cũng ra soát lạị.

Sau khi rà soát, xác định số cơ sở dữ liệu nhà đất và diện tích hiện trạng sử dụng sẽ thực hiện bố trí lại để phục vụ hoạt động cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp theo đúng tiêu chuẩn, định mức và các doanh nghiệp đáp ứng đúng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Các bộ ngành địa phương phải triển khai công việc này trong khoảng thời gian 6 tháng, sau đó, sẽ xác định khi nào bán và chuyển nhượng các phần tài sản dôi dư.

XEM TIẾP PHẦN II TALKSHOW BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN TẠI LINK SAU:

 

Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử

Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử

Đất công sẽ lên sàn giao dịch điện tử để minh bạch việc mua bán, chuyển nhượng đất công hiện nay.

 

 

VietNamNet

Thực hiện: Lương Bằng- Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn

email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn

Đồ họa: Trung Hiếu, ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà đất công dôi dư sẽ được xử lý như thế nào?

Nhà đất công dôi dư sẽ được xử lý như thế nào?

Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành quy định việc sắp xếp lại xử lý tài sản công

Thành ủy TP.HCM lên tiếng về việc bán đất công cho Quốc Cường Gia Lai

Thành ủy TP.HCM lên tiếng về việc bán đất công cho Quốc Cường Gia Lai

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa yêu cầu hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định diện tích đất tại khu dân cư Phước Kiển.

Bộ Công an đang điều tra mua bán đất công ở Đà Nẵng

Bộ Công an đang điều tra mua bán đất công ở Đà Nẵng

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ đang điều tra việc mua bán đất công ở Đà Nẵng và các dự án trên Sơn Trà.

Hà Nội ‘siết’ quản lý trụ sở làm việc và nhà, đất công

Hà Nội ‘siết’ quản lý trụ sở làm việc và nhà, đất công

Hà Nội yêu cầu các sở ngành và đơn vị liên quan báo cáo về kết quả thực hiện phương án sắp xếp xử lý các cơ sở nhà đất và trụ sở làm việc cơ sở hoạt động sự nghiệp

Bí thư Đà Nẵng: Xem lại sao Vũ 'nhôm' mua được nhiều đất công thế

Bí thư Đà Nẵng: Xem lại sao Vũ 'nhôm' mua được nhiều đất công thế

Tới đây sẽ có câu hỏi tại sao Vũ 'nhôm' có thể mua được nhiều đất công như thế, mà không phải người khác - ông Trương Quang Nghĩa nói.