VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”. Hai khách mời: Ông Nguyễn Văn Đáng, TS Quản trị công và chính sách - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ông Lê Anh Vinh, GS Toán học - Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ về khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới được nêu bật tại văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hoạt động thường xuyên chứ không theo thời kỳ, thời điểm

Nhà báo Diệu Thúy: Tại phiên khai mạc Đại hội sáng 26/1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của BCH TƯ khóa 12 về các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng. Báo cáo nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng. Bài học đầu tiên, đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

TS Nguyễn Văn Đáng đánh giá thế nào về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội 12 và ông kỳ vọng gì vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nhiệm kỳ mới?

{keywords}
TS Nguyễn Văn Đáng: Tôi kỳ vọng rằng sau Đại hội 13, công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục được đề cao. Ảnh: Phạm Hải

TS Nguyễn Văn Đáng: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một hoạt động thường xuyên, nhất quán, được Đảng thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt từ sau Đổi mới. 

Tại sao lại như vậy? Bởi vì trong quá khứ, một trong những yếu tố đem đến sức mạnh cho Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng chính là kỷ luật tổ chức. Khi chúng ta tiến hành Đổi mới, bối cảnh đất nước thay đổi, cũng xuất hiện những thách thức mới. Một trong những thách thức là phải duy trì được kỷ luật tổ chức cũng như công tác xây dựng Đảng. Bởi đó chính là sự duy trì và tiếp tục sức mạnh cho Đảng cầm quyền.

Trong nhiệm kỳ 12, công tác kỷ luật Đảng được thực hiện rất tốt, rất nghiêm khắc, thể hiện qua những số liệu khách quan. Đó là số lượng cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật lên đến hơn 100 người. Đảng cũng giám sát chặt chẽ hơn về mặt tư tưởng nhận thức, chống suy thoái, chống tự diễn biến, chống tự chuyển hóa.

Như vậy, theo tôi đánh giá, kỷ luật Đảng đã được thực hiện rất mạnh mẽ, rất nghiêm minh trong nhiệm kỳ Đại hội 12 vừa rồi. Rõ ràng việc đó đã nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Vậy ông có kỳ vọng như thế nào về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ mới?

Tôi kỳ vọng rằng, sau Đại hội 13, công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục được đề cao, thực hiện nhất quán trong những năm sắp tới. Bởi vì như tôi đã nói, công tác xây dựng Đảng là công tác thường xuyên, liên tục, do đây là yếu tố bảo đảm được sức mạnh kỷ luật tổ chức cũng như sức mạnh đội ngũ và qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Vì vậy, đó sẽ là hoạt động thường xuyên, không thể nói đây là hoạt động của một thời kỳ hay thời điểm nào trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất nhiên, khi bối cảnh thay đổi thì công tác xây dựng Đảng cũng phải gắn với sự thay đổi bối cảnh. Tôi cho rằng, đó là quá trình hiện đại hóa tổ chức cũng như nhân sự trong lãnh đạo đất nước ở bối cảnh mới.

Bên cạnh sự phồn vinh là hạnh phúc

Văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng đã nhấn mạnh định hướng và tầm nhìn trong giai đoạn mới là khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Là những người trẻ, có nhiều cơ hội đi đây đó học hỏi, GS Vinh chia sẻ thế nào về định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới?

GS Lê Anh Vinh: Tôi có hai ý. Thứ nhất, đối với khát vọng để đất nước chúng ta phát triển phồn vinh, theo mục tiêu của văn kiện Đại hội Đảng đã đưa ra rất cụ thể: Đến năm 2025, chúng ta sẽ là đất nước đang phát triển, có công nghệ theo hướng hiện đại và vượt qua được mức thu nhập trung bình; Đến năm 2030, chúng ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với mức thu nhập trung bình cao và mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta sẽ là một nước phát triển với thu nhập cao.

{keywords}
GS Lê Anh Vinh: Kỳ Đại hội lần này chúng ta thấy có sự bổ sung 2 cụm từ mới là "dân giám sát" và "dân thụ hưởng". Ảnh: Phạm Hải

Báo cáo "Thế giới năm 2050" của PwC đã đưa ra nhận định, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng, tiềm lực để có thể lọt vào top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu này đã được căn cứ, cân nhắc rất kỹ lưỡng dựa trên nguồn lực của con người Việt Nam cũng như tốc độ phát triển rất bền vững và ổn định của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Thực tế, rất nhiều nước trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh cũng có những đánh đổi về mặt phát triển xã hội. Vì vậy, chúng ta đặt khát vọng để một đất nước phát triển bên cạnh sự phồn vinh là hạnh phúc.

Đây chính là một mục tiêu phổ quát của bất kỳ sự phát triển nào. Bởi vì mục tiêu để đất nước phát triển cũng chính là để cho mỗi con người có được một cuộc sống hạnh phúc, mỗi gia đình có một cuộc sống hạnh phúc, để từ đó chúng ta có một xã hội hạnh phúc, một dân tộc hạnh phúc.

Điều các văn kiện trước đây chưa có

Xin hỏi ý kiến của TS Đáng về vấn đề này?

TS Nguyễn Văn Đáng: Đúng là trước khi diễn ra Đại hội lần này, dư luận xã hội bàn tán khá hứng thú về tầm nhìn đặt ra trong dự thảo văn kiện. Đó là đến năm 2045 sẽ đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN.

Mọi người đều bàn luận và có lẽ khó có ai không đồng ý với định hướng và mong ước, khát vọng chúng ta đang hướng đến.

Trở thành một nước phát triển nhưng vẫn theo định hướng XHCN đã tạo nên khác biệt. Bởi trở thành một nước phát triển không chỉ dựa trên các tiêu chí vật chất, về mặt kinh tế, thu nhập của quốc dân hay bình quân đầu người như thế nào, mà khái niệm phát triển còn gắn với sự bảo vệ môi trường và đặc biệt là phát triển xã hội.

{keywords}
 

Chúng ta thấy một điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 là có hẳn Mục 8 về quản lý sự phát triển xã hội - điều mà các văn kiện trước đây chưa có. Vậy tại sao Đảng đề ra hẳn nội dung gọi là quản lý sự phát triển xã hội cho cho hiện tại và tương lai?

Chúng ta hướng đến một xã hội phát triển không chỉ giàu có và thịnh vượng về mặt kinh tế, không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn là một xã hội cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội. Một xã hội hài hòa theo hướng đoàn kết, hợp tác, hướng đến sự cân bằng.

Tôi cho đấy mới là đáp ứng được tiêu chí về sự phát triển và là một tầm nhìn truyền cảm hứng. Bởi nó thu hút được sự quan tâm, mọi người bàn luận theo hướng tích cực và giúp cho mọi người dân Việt Nam đều hướng đến một mục đích mà sau 25 năm nữa chúng ta có thể phải phấn đấu rất nhiều để đạt được.

'Dân thụ hưởng' thể hiện quan điểm rất thực tiễn

Trong báo cáo về các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc lấy dân làm gốc, trọng dân, tin dân, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và đặc biệt là dân thụ hưởng. Được biết đây là lần đầu tiên cụm từ “dân thụ hưởng” được đưa cụ thể vào dự thảo văn kiện. TS Đáng có bình luận như thế nào?

TS Nguyễn Văn Đáng: Đúng là trong nhiều năm gần đây, chúng ta quen với câu nói, khẩu hiệu và cũng là chủ trương của Đảng, đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Nhưng kỳ Đại hội lần này chúng ta thấy có sự bổ sung 2 cụm từ mới là "dân giám sát" và "dân thụ hưởng".

Cụm từ "dân thụ hưởng", theo tôi, thể hiện quan điểm rất thực tiễn của Đảng. Thứ nhất, nhấn mạnh lợi ích thụ hưởng, tức là người dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Chính vì đáp ứng được lợi ích đa dạng của người dân trong xã hội thì sẽ thỏa mãn được lợi ích ấy, tạo thành động lực cho cho sự phát triển.

Như vậy, dân thụ hưởng không phải chỉ là người dân phải được hưởng cái gì đó, mà chính là hướng đến việc thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội của người dân để biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển.

Thứ hai, cụm từ "dân thụ hưởng" nhấn mạnh là mọi chủ trương, chính sách phải tạo ra được sự thay đổi trên thực tế cuộc sống, tức là phải thay đổi bằng cách tạo ra sự thay đổi tích cực trong đời sống của người dân, kết quả của người dân được thụ hưởng.

Thứ ba, khi dùng cái khái niệm "dân thụ hưởng", tức là người dân nói chung, mọi giai cấp, mọi tầng lớp chứ không chỉ là những nhóm xã hội hay những tầng lớp có điều kiện thuận lợi.

Bởi vì chúng ta chứng kiến, trong hơn 30 năm đổi mới, rõ ràng có các khu vực thuận lợi phát triển rất nhanh, nhưng cũng còn nhiều khu vực khó khăn. Điều này đặt ra một thách thức cho Đảng, đó là sự phát triển mang tính bao trùm, tức là mọi cá nhân, mọi tầng lớp, mọi giai cấp phải đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Tôi cho đây là điểm mới và rõ ràng nó cũng là sự hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng trong tiến trình phát triển, lãnh đạo đất nước.

GS Lê Anh Vinh: Tôi nghĩ, đối với cụm từ dân thụ hưởng, đấy là góc nhìn lấy người dân làm trung tâm, tức là mọi sự phát triển về mặt kinh tế - xã hội ở đây sẽ phục vụ cho nhu cầu của người dân. Người dân chúng ta làm, giám sát, thực hiện các công việc và sẽ thụ hưởng những lợi ích từ việc phát triển.

Tôi nghĩ nó cũng gắn với chính khát vọng chúng đã đề ra, tức là phát triển đất nước phồn vinh để làm sao cho cuộc sống của người dân được hạnh phúc, được ấm no.

Tôi rất kỳ vọng vào cụm từ "dân thụ hưởng" sẽ mang đến ý nghĩa cụ thể, thiết thực cho mỗi con người.

* Phần 2: Tạo lòng tin để người tài xuất lộ

Tuần Việt Nam

Nhân sự Đại hội và kỳ vọng của đại biểu

Nhân sự Đại hội và kỳ vọng của đại biểu

Với Đại hội Đảng, có hai nội dung quan trọng nhất là văn kiện và công tác nhân sự, trong đó công tác nhân sự là đặc biệt quan trọng, “then chốt của then chốt”.