XEM VIDEO:

Trong phần 2 của Bàn tròn trực tuyến "Khát vọng Việt Nam”, TS Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và GS Lê Anh Vinh - Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nêu những giải pháp thu hút, quy tụ người tài trong con đường phát triển đất nước.

Chúng ta đang đứng trước một mỏ vàng

Nhà báo Diệu Thúy: Tại phiên khai mạc Đại hội 13, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trọng tâm: Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam.

Theo GS Vinh, với đường hướng phát triển đất nước đã rõ ràng, chúng ta cần nguồn lực con người như thế nào để đưa đất nước phát triển nhanh, nhất là giai đoạn dân số vàng hiện nay? 

GS Lê Anh Vinh: Đầu tiên phải khẳng định rằng chúng ta đang đứng trước một cơ hội vàng. Việt Nam đã chuyển sang dân số vàng từ năm 2006. Chúng ta sẽ còn khoảng 20 năm nữa trong giai đoạn này và cần khai thác một cách triệt để tiềm lực.

Việt Nam cũng là một nước dân số đông và vì vậy theo các đánh giá, chúng ta có những khả năng để phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một góc độ rất thực tế là cũng có những hạn chế. Thứ nhất, Việt Nam nằm ở tốp đầu về tốc độ già hóa dân số và thời gian ở trong giai đoạn dân số vàng là rất ngắn so với các nước khác.

Điểm hạn chế thứ hai là có một chỉ số liên quan đến tiềm lực về kinh tế - xã hội của một đất nước khi đạt đến đỉnh cao của dân số. Nếu như chúng ta lấy Mỹ là 100 điểm, Singapore 146 điểm thì Việt Nam chỉ khoảng mười mấy điểm thôi. Tôi có thể diễn giải một cách đơn giản hơn là, chúng ta đang đứng trước cơ hội để khai thác một mỏ vàng - đó là dân số - nhưng thời gian cấp phép ngắn, và điều kiện để khai thác về mặt khoa học, kỹ thuật cũng có sự hạn chế.

{keywords}
GS Lê Anh Vinh: Thường những người có năng lực đều có mong muốn được đóng góp cho xã hội. Ảnh: Phạm Hải

Do đó, bài toán ở đây là làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất. Tôi nghĩ chính là phải đầu tư vào con người và giáo dục. Đây là giải pháp để có thể tối đa được khả năng phát triển trong giai đoạn tới.

TS Nguyễn Văn Đáng: Tôi cũng đồng ý với GS Vinh ở chỗ, chúng ta đang ở giai đoạn mà người ta gọi là cơ cấu dân số vàng, tức là có lợi thế nhất định. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy được lợi thế đó đúng là một thách thức.

Tôi cũng đồng ý với GS Vinh ở chỗ, trước hết chúng ta phải đầu tư cho giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực, tăng khả năng cạnh tranh cho người lao động trên thị trường lao động ngay chính trong đất nước chúng ta. Nhiều công việc nếu không cạnh tranh được, thậm chí chúng ta có thể bị người lao động ở nước khác chiếm chỗ.

Thứ hai, theo tôi, các chính sách phải thúc đẩy tự do kinh tế. Bởi vì thúc đẩy tự do kinh tế sẽ gia tăng được cơ hội việc làm cho người lao động. Chúng ta đang có số người trong độ tuổi lao động cao nên kinh tế phát triển mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động và lúc đó mới tận dụng được lợi thế của cơ cấu dân số vàng.

Nếu không có những điều chỉnh mạnh mẽ, chỉ trong 20-25 năm nữa. chúng ta bước vào giai đoạn mà dân số bắt đầu già, lúc đó cơ hội sẽ qua mất.

Ba bước sử dụng người tài

Trong quá trình tập trung đầu tư vào con người và giáo dục đào tạo, chúng ta cần làm những gì để tạo cơ hội cho người tài xuất lộ?

GS Lê Anh Vinh: Tôi làm việc trong lĩnh vực giáo dục và có cơ hội làm việc với rất nhiều bạn trẻ, rất nhiều bạn có năng lực. Theo quan sát của tôi, thường những người có năng lực đều có mong muốn được đóng góp. Tức là bên cạnh mưu cầu dành cho cuộc sống, cá nhân, gia đình, họ đều mong muốn được đóng góp cho cộng đồng, xã hội, đất nước.

Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta phát huy được điều đó? Tôi nghĩ, trong quá trình sử dụng con người, chúng ta có 3 bước. Bước 1 là phát hiện, bước 2 là bồi dưỡng và bước 3 là sử dụng. Cần có chính sách xuyên suốt và đồng bộ trong cả 3 khâu này.

Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào chính sách của một số nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia, Thái Lan. Đầu tiên là câu chuyện phát hiện ra những người có năng lực, chúng ta phải bồi dưỡng thông qua việc giáo dục và đào tạo nhưng đồng thời cũng cần có chính sách để sử dụng người tài.

Tôi nghĩ, điểm mấu chốt ở việc sử dụng con người chính là một chính sách đồng bộ, từ khâu phát hiện đến khâu bồi dưỡng và sử dụng.

{keywords}
 

TS Nguyễn Văn Đáng: Để người tài xuất lộ, đầu tiên chúng ta phải rõ ràng về quan niệm thế nào là người tài. Bởi vì đó là một khái niệm chung chung, có những người tài năng về lãnh đạo chính trị, có người tài năng về quản lý và có những người tài năng về chuyên môn…

Thứ hai, chúng ta phải tạo ra được lòng tin cho mọi người rằng, nếu những người tin họ có tài năng, có năng lực, hãy tham gia vào khu vực công, vào các hoạt động của Nhà nước, của chính quyền và họ sẽ tự thay đổi được cuộc sống của họ theo hướng tích cực hơn bằng cách đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Làm thế nào để quy tụ hay tập hợp được người tài? Tôi cho rằng điều đó thuộc về vai trò lãnh đạo. Tức là phải hình thành những hệ giá trị truyền cảm hứng, có khả năng quy tụ, tập hợp được những người có năng lực để họ có cảm hứng, khát vọng cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước.

Bối cảnh hiện nay rất đa dạng. Những người tham gia có thể là tài năng trong khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và ở ngoài cộng đồng xã hội. Vậy làm thế nào để kết nối được người tài ở 3 khu vực này? Đây sẽ là một thách thức về lãnh đạo và quản lý.

Tôi cho rằng, để tập hợp được người tài thì điểm then chốt là phải xây dựng, định hình được những hệ giá trị mới, phản ánh hơi thở của cuộc sống, của thời đại, gắn với bối cảnh hiện nay để làm sao nó được chia sẻ bởi các chủ thể ở những khu vực doanh nghiệp, nhà nước và ngoài cộng đồng xã hội. Khi các chủ thể được chia sẻ bởi những giá trị chung như vậy sẽ đều tham gia cam kết hướng tới một sự thay đổi tích cực cho đất nước.

Như vậy là phát lộ, quy tụ và tập hợp nhân tài. Tất nhiên đi kèm sau đó là các chính sách về đãi ngộ, tuyển dụng...

Theo GS Vinh, vấn đề thu nhập, chế độ đãi ngộ có vị trí ở đâu trong chính sách thu hút người tài?

Tôi nghĩ, mức thu nhập là cần thiết để có một sự ổn định trong cuộc sống và chắc chắn đối với những người tài, họ có khả năng đạt được thu nhập cao và như vậy sẽ có rất nhiều cơ hội.

Thế nhưng tôi không nghĩ đây là điều kiện tiên quyết. Tôi rất đồng ý với TS Đáng rằng, điều kiện tiên quyết ở đây là chúng ta phải cho người có năng lực có cơ hội được làm việc đúng với năng lực, sở trường, để họ có thể phát huy được tối đa và cho họ cảm giác rằng "tôi đang làm việc này không phải chỉ cho cá nhân tôi, gia đình tôi mà còn đang đóng góp được cho cả cộng đồng". Tôi nghĩ lúc ấy họ sẽ hạnh phúc nhất, làm được điều mà họ mong muốn nhất.

Hạnh phúc nhất là được ở chính đất nước của mình

Được biết năm 2010, ở tuổi 27, Lê Anh Vinh nhận được bằng tiến sĩ của ĐH Harvard, năm 2020 thì trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam. Cơ hội nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài rất nhiều, tại sao GS Vinh lại lựa chọn con đường trở về Việt Nam, đem tri thức, sức trẻ để trở thành một nhà quản lý giáo dục, và cũng là người thầy trực tiếp giảng dạy?

Thực ra đây là lựa chọn cá nhân và tôi cũng chưa bao giờ mong muốn làm việc ở nước ngoài. Từ bé tôi luôn có sự gắn kết rất lớn với gia đình. Bố mẹ chưa bao giờ nói với tôi điều lớn lao như con phải đóng góp, phải cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc. Họ cũng không nói với tôi “cố gắng học tập và ở nước ngoài làm việc”… 

Bố mẹ chỉ nói với tôi một điều rất đơn giản, là hãy làm những gì con cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất.

Tôi luôn cảm thấy một điều rất tự nhiên rằng, cái mà mình cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất, là được ở gần người thân và phát triển trong môi trường mà mình đã sinh ra, lớn lên. Nói rộng hơn là mình được ở chính đất nước mình.

Bây giờ sự kết nối quốc tế rất đơn giản. Trong thời gian từ 2010-2020, khi về nước, tôi cũng có những đợt sang nước ngoài làm việc ngắn hạn. Nhưng nơi mà mình muốn làm việc lâu dài, hay dùng từ đóng góp thôi, thì đó chính là đất nước, quê hương của mình. 

{keywords}
TS Nguyễn Văn Đáng: Tuyệt đại đa số du học sinh đều có mong muốn về nước làm việc

Khát vọng được cống hiến

TS Đáng cũng là một trong số những người trẻ có cơ hội học hỏi ở những nước phát triển, sau đó quay trở về giảng dạy, và có những bài viết rất sâu sắc, đóng góp ý kiến vào chính sách phát triển của đất nước. Ông chia sẻ như thế nào về sự cống hiến?

Trong cộng đồng du học sinh, tôi thấy tuyệt đại đa số đều có mong muốn về nước để tìm công việc phù hợp, đem những cái họ học được đóng góp lại cho cơ quan, tổ chức cũng như đất nước.

Mong muốn đó là khát vọng cống hiến. Cá nhân tôi cũng vậy. Chúng tôi có thể xin được một công việc bình thường bên Mỹ, nhưng đấy chỉ là kiếm sống hàng ngày. Trở về với đất nước, chúng tôi có thể được lên bục giảng ở các trường đại học, ở các trường đào tạo cán bộ. Và chúng tôi cảm thấy mình đóng góp được nhiều hơn, cảm thấy mình có ý nghĩa.

Vấn đề là làm thế nào để duy trì được, và phát huy được khát vọng, mong muốn cống hiến. Điều đó liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

* Phần cuối: Đổi mới sáng tạo phải gắn liền với khu vực công

Tuần Việt Nam

Đất nước và những khát vọng vươn tới

Phần 1: Đất nước và những khát vọng vươn tới

Dân thụ hưởng không phải chỉ là người dân phải được hưởng cái gì đó, mà chính là hướng đến việc thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội để biến lợi ích thành động lực phát triển.