Mới đây, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng đau hông lưng 2 bên, đau lan xuống vùng bụng, huyết áp cao, mệt lả và xanh xao. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh thiếu máu nặng, có 2 khối bướu tuyến thượng thận lớn.

Bệnh nhân là ông H, 58 tuổi, ngụ tại TP.HCM. 5 năm trước, ông H. đau âm ỉ hông lưng nên đi khám và phát hiện có bướu 2 bên. Tuy nhiên, ông chỉ muốn uống thuốc vì sợ phẫu thuật và sợ phải dùng thuốc nội tiết suốt đời. 

Nhưng lần này, bác sĩ nhận định, 2 khối bướu tuyến thượng thận có kích thước lên đến 15cm, viêm dính xung quanh, bướu đang chảy máu, cơ thể thiếu máu nặng. Bệnh nhân buộc phải phẫu thuật.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Luông, Phó trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, bướu đã dính vào tĩnh mạch chủ và các cơ quan lân cận, bướu chảy máu nhiều khoảng 2000 ml. Ca phẫu thuật diễn ra rất căng thẳng và cẩn trọng. 

Bác sĩ cho biết, hormone tuyến thượng thận là một trong những hormone sinh mạng, giúp ổn định huyết áp. Trong quá trình phẫu thuật, ông H. được bù các hormone tuyến thượng thận qua đường tĩnh mạch để đảm bảo an toàn. 

Bướu tuyến thượng thận ở cả hai bên như ông N. rất hiếm gặp. Ảnh: BVBD

Sau 4 giờ thực hiện, hai khối bướu được lấy thành công. Hai ngày sau, diễn tiến sức khoẻ của người bệnh tốt, các chỉ số sinh hiệu ổn và có thể vận động nhẹ nhàng tại giường. Người bệnh được xuất viện sau 1 tuần và được bác sĩ chuyên khoa nội tiết theo dõi, điều trị bằng liệu pháp nội tiết thay thế.

Theo bác sĩ Luông, đa số các trường hợp bướu tuyến thượng thận thường xuất hiện ở 1 bên. Sau cắt bướu, người bệnh vẫn còn tuyến thượng thận để thực hiện chức năng sản sinh nội tiết. Trường hợp bướu ở cả hai bên như ông N. rất hiếm gặp, ngay cả tại những trung tâm niệu khoa lớn trên thế giới. 

Bướu thượng thận hai bên có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ phát hiện ngẫu nhiên không có triệu chứng đến biểu hiện lâm sàng toàn thân nghiêm trọng. Để đảm bảo cho người bệnh không bị ảnh hưởng về chức năng nội tiết, sau khi cắt bỏ cả hai bên tuyến thượng thận, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa nội tiết tiếp tục theo dõi và được điều trị bằng liệu pháp nội tiết thay thế.

Tuyến thượng thận là cơ quan sản xuất ra các hormone góp phần điều hòa trong cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa phức tạp, điều hòa huyết áp động mạch, cân bằng nước-điện giải, chống stress. Bướu có thể hình thành ở một hoặc cả hai tuyến thượng thận, có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Người bệnh có thể phát hiện ngẫu nhiên hoặc do biểu hiện nghiêm trọng. 

Trong đó, ung thư tuyến thượng thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ảnh hưởng nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn 40-50 tuổi. Nếu được điều trị sớm, bệnh có cơ hội chữa khỏi. Nếu ung thư đã lan đến khu vực nằm ngoài tuyến thượng thận, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn, chủ yếu là trì hoãn sự tiến triển của bệnh.

Bác sĩ Luông khuyến cáo, khi xuất hiện những triệu chứng như đau hông lưng, các rối loạn nội tiết, phù, tăng huyết áp không rõ nguyên nhân…, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.