Cô Tô là huyện đảo nằm phía Đông của tỉnh Quảng Ninh. Du lịch Cô Tô những năm gần đây thực sự có những thay đổi mang tính đột phá, trở thành một trong những điểm đến đẹp nhất trên bản đồ du lịch biển đảo của Việt Nam.
Tại diễn đàn về du lịch xanh được tổ chức mới đây, ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch cũng là vấn đề đáng báo động đối với huyện. Những ngày cao điểm mùa du lịch, huyện Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1-2 tấn/ngày.
Với nhu cầu của thị trường, của du khách, người dân, cộng đồng kinh doanh du lịch ở Cô Tô đã sớm nhận ra rằng, du lịch xanh là nhu cầu của sự phát triển và cũng phù hợp với lợi thế, tiềm năng của tài nguyên du lịch Cô Tô. Hiện nay, mô hình du lịch xanh gắn với trách nhiệm cộng đồng đang được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cô Tô tích cực chuyển đổi.
Du lịch xanh được hiểu là sự cam kết của tất cả các bên liên quan đến du lịch, bao gồm cả nhà nước và tư nhân, thực hiện việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa lợi ích cho môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương, người lao động và doanh nghiệp du lịch và được thực hiện trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên.
Theo ông Thông, hai năm trở lại đây, huyện Cô Tô đã phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám phá, lặn biển thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với đảo.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đã ban hành Quyết định số 175-QĐ/HU về việc phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, với mục tiêu chung là nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân thay đổi hành vi, thói quen trong việc quản lý, sử dụng và xả thải rác nhựa dùng một lần; bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là rác thải nhựa, rác thải đại dương; ngăn chặn việc phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Cô Tô không phát sinh rác thải nhựa.
Từ ngày 01/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo. Sau 1 năm triển khai thí điểm hiệu quả, từ tháng 9/2023 huyện áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon về đồ nhựa dùng một lần ra đảo. Huyện Cô Tô kêu gọi mỗi người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trên đảo nâng cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô có văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện không dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch, các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch xanh, không dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, tổ chức cho du khách tham gia nhặt rác tại các bãi biển. Không khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ du lịch bình dân và các tour du lịch giá rẻ nhằm hạn chế việc tác động xấu đến môi trường và quá tải cho hạ tầng kỹ thuật… Đến thời điểm hiện tại đã có 5/5 công ty du lịch trên địa bàn đăng ký và tổ chức các tour du lịch xanh. Các cơ sở lưu trú cũng đang thực hiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Còn Hiệp hội du lịch Cô Tô đã phát động kêu gọi hàng trăm chủ có sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia các hoạt động làm sạch môi trường biển, thu gom rác thải đại dương.
Dấu ấn du lịch xanh của Cô Tô đã bắt đầu hiện rõ trên những bước chân đi của người dân, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên đảo.