Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thao (Học viện ngoại giao), năm 1982, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về Luật biển (UNCLOS).

UNCLOS đã phân bổ lại trách nhiệm bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên cá từ một phần của Biển cả thuộc chế độ tự do đánh bắt sang cho các quốc gia ven biển dưới hình thức có quyền chủ quyền về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Các quốc gia ven biển có trách nhiệm chính đặt ra các quy định để bảo tồn và quản lý 90% nguồn đánh bắt toàn cầu (Điều 61 và 62), phần lớn trong số đó trước kia được tự do đánh bắt bởi các hạm đội tàu cá của các nước phát triển.

W-danhca.png
Bình minh trên Biển Đông  

Tại Biển cả, các quốc gia ven biển có trách nhiệm hợp tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong việc áp dụng các biện pháp quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật (Điều 118).

UNCLOS cũng phân phối lại quyền đánh bắt tài nguyên sinh vật giữa các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế. Nó cho phép các quốc gia khác tiếp cận, qua điều ước hoặc các thỏa thuận khác và theo đúng các thể thức, điều kiện, các luật và quy định khác, khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.

Khi làm như vậy, cần đặc biệt quan tâm các quốc gia không có biển và bất lợi về địa lý cũng như các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, quyền tiếp cận này bị hạn chế. Các quốc gia ven biển có quyền ấn định khối lượng đánh bắt có thể chấp nhận được đối với các tài nguyên sinh vật ở trong vùng đặc quyền về kinh tế của mình. Quyền xác định khả năng đánh bắt của mình, thời gian, điều kiện và các quy định cho việc tiếp cận tài nguyên cá để duy trì hoặc phục hồi quần thể các loài khai thác ở mức bền vững.

Quốc gia ven biển dựa vào các số liệu khoa học đáng tin cậy nhất mà mình có, thi hành các biện pháp thích hợp về bảo tồn và quản lý nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị ảnh hưởng do khai thác quá mức.

Quốc gia ven biển và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, các tổ chức phân khu vực, khu vực hay thế giới, hợp tác với nhau một cách thích hợp để thực hiện mục đích này. Quốc gia ven biển cần tính đến tất cả các yếu tố thích đáng, trong đó có: tầm quan trọng của các tài nguyên sinh vật thuộc khu vực đối với nền kinh tế và đối với các lợi ích quốc gia khác của nước mình; các nhu cầu của các quốc gia đang phát triển trong khu vực hay phân khu vực về vấn đề khai thác một phần của số dư, và sự cần thiết phải giảm bớt đến mức tối thiểu những rối loạn kinh tế trong các quốc gia nào có những công dân thường đánh bắt hải sản ở trong khu vực hoặc đã đóng góp nhiều vào công tác tìm kiếm và thống kê các đàn cá.

"Sản lượng khai thác tối ưu các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế” (MSY) và tổng khối lượng đánh bắt cho phép (TAC) là một số trong những biện pháp khoa học và công nghệ được khuyến nghị.

UNCLOS cũng đặt ra chế độ pháp lý khác nhau đối với một đàn cá hoặc các loài quần hợp ở trong vùng đặc quyền kinh tế của hai hoặc nhiều quốc gia ven biển hoặc đồng thời ở trong vùng đặc quyền kinh tế và ở trong một khu vực tiếp liền với vùng đó, các loài cá di cư xa, các động vật biển có vú, các đàn cá vào sông sinh sản, các loài cá ra biển sinh sản hoặc các loài thuộc loại định cư.

Các quốc gia ven biển và các quốc gia khác có công dân chuyên đánh bắt trong khu vực những loài cá và đàn cá này, cần trực tiếp hoặc qua trung gian của các tổ chức quốc tế thích hợp, hợp tác với nhau nhằm bảo đảm việc bảo tồn các loài cá nói trên và đẩy mạnh việc khai thác tối ưu các loài cá đó trong toàn bộ khu vực, ở trong cũng như ở ngoài vùng đặc quyền về kinh tế.

Ông Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh, UNCLOS mang lại một sự thay đổi mang tính cách mạng trong việc kết hợp khai thác bền vững các nguồn lợi thủy sản hài hòa với bảo vệ môi trường.

Các nguyên tắc được Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người thông qua năm 1974, đặc biệt là nguyên tắc phòng ngừa đã được phản ánh rõ trong các quy định của UNCLOS liên quan đến chế độ quản lý đánh bắt ở vùng đặc quyền kinh tế và Biển cả.

Phần XII UNCLOS về bảo vệ môi trường biển nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái quý hiếm hoặc dễ bị tổn thương cũng như môi trường sống của các loài cạn kiệt, bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng và các dạng sinh vật biển khác. Hoạt động của các tàu, kể cả tàu kiểm ngư được quy định chặt chẽ nhằm cân đối giữa quyền khai thác tài nguyên biển với nghĩa vụ quản lý và bảo vệ môi trường biển.

Các quốc gia ven biển, các quốc gia có cảng và các quốc gia treo cờ có trách nhiệm kiểm soát việc đánh bắt và ô nhiễm môi trường trong toàn bộ quá trình hoạt động của các đội tàu đánh cá (các điều 210-211, 217-218). Vai trò của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RMFO) được nâng cấp nhằm tranh thủ sự hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia trong việc bảo tồn và quản lý nguồn cá và bảo vệ môi trường.

Nhóm PV (T/h)