Hay tin nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão qua đời, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12 xúc động: “Tôi với anh Mão gắn bó từ khi tôi còn làm Chánh VP đoàn ĐBQH tỉnh năm 1995, lúc đó anh là Chủ nhiệm VPQH. Anh như một người cấp trên, một người anh mà tôi đã học hỏi được nhiều điều”.

Người cấp tiến chứ không bảo thủ

Vị ĐBQH nổi tiếng thẳng thắn một thời chia sẻ cách nhìn người của mình, khi đọc 1 báo cáo ông sẽ cảm nhận được trình độ của người viết báo cáo đó như thế nào, còn với một người lãnh đạo khi nghe họ phát biểu, chủ trì 1 hội nghị ông cũng biết được trình độ đến đâu.

{keywords}
ĐBQH Lê Văn Cuông chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 6 năm 2009. Ảnh: Quốc hội

“Khi anh Mão phát biểu ở HĐND, tôi cảm nhận anh là con người hiểu biết rộng, am hiểu nhiều thông tin, tiếng nói rất mạnh mẽ, sôi nổi làm tôi rất thích…”, ông Cuông bày tỏ.

“Đó là con người có bản lĩnh, trí tuệ, sự hiểu biết rộng và là người cấp tiến chứ không bảo thủ. Anh Mão luôn tìm cách đổi mới, cải thiện tình hình làm sao cho QH, HĐND mạnh hơn”, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói.

Theo ông Lê Văn Cuông, ông Vũ Mão luôn trăn trở,  tìm mọi cách để đưa ra những sáng kiến đổi mới trong hoạt động QH, dù khi đó cơ chế còn hạn hẹp khó khăn.

Ông Cuông nhớ lại trước đây HĐND, đoàn ĐBQH không có văn phòng giúp việc mà  dùng chung với Văn phòng UBND tỉnh.

Thời điểm đó, các địa phương kiến nghị phải có Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND riêng, nếu không hoạt động rất khó khăn. Được ông Mão ủng hộ, cùng với sự đồng tình của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, sau đó Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND được thành lập riêng để phục vụ QH, HĐND và hoạt động rất hiệu quả.

“Khi thí điểm ở Thanh Hóa, tôi là một trong những Chánh VP đoàn ĐBQH, HĐND đầu tiên”, ông Lê Văn Cuông kể.

Một dấu ấn khác về ông Vũ Mão được ông Lê Văn Cuông nhớ như in chính là sáng kiến chuyển từ QH giơ tay sang QH bấm nút.

Ông Cuông cho biết, trước đây mỗi ĐBQH có 1 bảng biểu quyết theo số thứ tự. Mỗi lần ĐB nào muốn phát biểu hay biểu quyết thì giờ lên bảng này lên chứ không phải bấm nút như bây giờ.

Việc mấy trăm đại biểu, trong một hội trường rộng lớn cầm tấm bảng số thứ tự giơ lên mỗi khi muốn phát biểu rất khó nhận biết được ai giơ trước, ai giơ sau và phải tra xem bảng số này là của ĐB nào. Còn khi biểu quyết thì phải có người quan sát và đếm từng số một rất mất thời gian.

{keywords}
Ông Cuông vẫn còn giữ tấm biển đăng ký phát biểu và biểu quyết của Quốc hội

“Sau đó, nhiều ĐB có ý kiến, VPQH và anh Mão cũng rất trăn trở nên đã xúc tiến bộ phận chuyên môn triển khai hệ thống để làm sao khi ĐB muốn phát biểu, biểu quyết chỉ cần bấm nút đăng ký”, ông Lê Văn Cuông vừa kể, vừa lấy trong ngăn tủ tâm bảng có ghi số 409 một thời gắn bó với mình.

Hình mẫu quan chức hiện đại

Việc triển khai hệ thống ghi âm, ghi hình, gỡ băng lưu lại các phát biểu của các ĐBQH cũng là một trong những sáng kiến gắn liền với dấu ấn ông Vũ Mão.

“Đến giờ tôi vẫn còn đầy đủ các bài phát biểu ghi hình, ghi tiếng ở các phiên thảo luận, chất vấn. Mỗi kỳ họp xong, VPQH gửi cho ĐB các dữ liệu để lưu giữ. Đến lúc về hưu, tôi vẫn hay mở ra xem lại mình phát biểu như thế nào để kiểm chứng lại xem có chuẩn không, có tính dự báo không”, ông Lê Văn Cuông chia sẻ.

Nhờ vậy mà những vấn đề nóng bỏng trên nghị trường như chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền tạo nên thương hiệu của ĐBQH Lê Văn Cuông ở QH được lưu giữ cho đến nay.

Một trong những phát biểu được ông Cuông lưu giữ cẩn thận nhờ vào sáng kiến của ông Vũ Mão là bản gỡ băng chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp QH cuối năm 2009 về việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang 5 lần phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng.

{keywords}
 

Rồi ông Cuông kể rành mạch lại vụ việc được Thủ tướng chỉ đạo nhưng Chủ tịch tỉnh không thực hiện để nói về tình trạng “trên nói dưới không nghe”.

“Thủ tướng nói: ĐB nêu nhưng tôi không biết người đó là ai. Tôi mới bấm nút báo cáo đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Cả hội trường khi đó ngồi im phăng phắc vì lâu nay ĐB chỉ nói chung chung, không chỉ đích danh. Buổi sáng chất vấn, buổi chiều hôm đó trên Hà Giang ông Nguyễn Trường Tô gọi điện dọa Tỉnh ủy Thanh Hóa kỷ luật tôi…”, ông Cuông nhớ lại.

“Tôi kể lại câu chuyện này để nói rằng, tôi đã học được anh Mão bản lĩnh và trí tuệ. Anh là một trong những thần tượng khi tôi mới chập chững bước vào nghề ‘đại biểu dân cử’. Anh Mão như 1 người anh, bậc trên để tôi học hỏi”, nguyên ĐB tỉnh Thanh Hóa chia sẻ. Ông rất tâm đắc, khâm phục và thích những hoạt động, sản phẩm đổi mới của ông Vũ Mão.

Ngoài ra, ông Cuông cũng bày tỏ sự mến phục ông Vũ Mão ở cuộc sống đời thường với phong cách vui vẻ, cởi mở, gần gũi với anh em, không có khoảng cách cấp trên hay cấp dưới.

“Dù tuổi cao nhưng anh Mão lúc nào cũng ca hát vui vẻ, lúc đọc thơ, lúc sáng tác nhạc, luôn trẻ trung yêu đời như 1 thanh niên. Phải nói ngoài đời thường, anh Mão cũng là một người miễn chê, sống rất vô tư và rất thật”, ông Cuông nhấn mạnh, ông Vũ Mão là một hình mẫu quan chức hiện đại.

{keywords}
Xuất hiện bên hành lang QH với cương vị khách mời nhưng báo chí vẫn săn đón ông như thời còn đương chức

Trong mắt của ông Lê Văn Cuông là hình ảnh ông Vũ Mão tuy đã về hưu nhưng đầy nhiệt huyết và trăn trở, không ngại lên tiếng góp ý cho các hoạt động của QH ngày càng vững mạnh.

“Kể cả những năm gần đây, tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh anh Vũ Mão say sưa nhiệt huyết và đam mê với công việc và luôn tìm cách đổi mới, nâng cao vị thế của QH qua các bài báo, bài trả lời phỏng vấn của ông”, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói.

Ông Vũ Mão qua phác họa bằng bút chì của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An

Ông Vũ Mão qua phác họa bằng bút chì của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An

Hiếm có cặp chính trị gia “song kiếm hợp bích” như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH, nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Vũ Mão.

Thu Hằng - Trần Thường