Nghị định số 116/2017 của Chính phủ đã chính thức chấm dứt cuộc tranh cãi về quyền kinh doanh và nhập khẩu ôtô tại Việt Nam giữa các nhà nhập khẩu chính thức và các nhà nhập khẩu ôtô ngoài. Nghị định còn siết chặt hơn nữa các quy định nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng.
Cụ thể, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí ngày 17/10/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô đưa ra những quy định về việc láp ráp và nhập khẩu ôtô mới chưa qua sử dụng, với các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chứng nhận về sự phù hợp chất lượng từ nhà sản xuất,...
Tuy nhiên, đáng quan tâm nhất của Nghị định 116 là việc siết chặt nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng.
Theo đó những loại ôtô này đã phải được đăng kí lưu hành tại quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam, xe nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với từng xe theo quy định và đặc biệt các loại xe nhập khẩu phải được cung cấp cho cơ quan quản lí chất lượng Giấy chứng đăng kí lưu hành còn hiệu lực của cơ quan và tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài.
Nghị định số 116/2017/NĐ-CP chốt lại toàn bộ các vấn đề của thị trường ôtô Việt Nam bao gồm việc lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng. |
Trong khi đó đối với điều kiện để được kinh doanh nhập khẩu ôtô, tại chương III của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP nêu rõ chỉ Doanh nghiệp mới được xem xét cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô và phải có cơ sở bảo hành bảo dưỡng thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc có có liên kết về trách nhiệm (kí hợp đồng thuê).
Đặc biệt, nội dung nghị định còn đưa ra một điều kiện được đánh giá là cực kì khó để có thể kinh doanh nhập khẩu ôtô là: Doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp đó được phép thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ôtô nhập khẩu tại Việt Nam.
Nghị định số 116/2017/NĐ-CP được đánh giá là bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước các vấn đề kỹ thuật từ nhà sản xuất. |
Đây là điều khoản được đánh giá là bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô thế giới ngày càng có nhiều các đợt triệu hồi và sửa lỗi, giúp người tiêu dùng được hưởng đầy đủ các quyền lợi của mình khi sử dụng sản phẩm ôtô.
Tuy nhiên điều này cũng được coi như dấu chấm hết đối với mảng nhập khẩu kinh doanh ôtô đã qua sử dụng, bởi việc các hãng sản xuất ôtô thế giới chấp thuận một công ty không chính thức đại diện thực hiện việc triệu hồi xe là điều không thể, nhất là đối với các thương hiệu đã có các nhà đại diện chính thức tại Việt Nam như Audi, BMW, Volkswagen…
(Theo Dân trí)