Ngân hàng Agribank vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Tập đoàn Thiên Thanh, doanh nghiệp đình đám một thời do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Danh cũng từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam (nay là Ngân hàng Thương mại TNHH Xây Dựng Việt Nam - CBBank).
Theo thông tin do Agribank cung cấp liên quan đến khoản nợ, Tập đoàn Thiên Thanh và Agribank ký hợp đồng tín dụng vào ngày 22/7/2011 (thời điểm trước khi ông Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Trust Bank - tiền thân của CBBank - từ tay bà Hứa Thị Phấn).
Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2024 là 350,797 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc 243,530 tỷ đồng; dư nợ lãi, lãi quá hạn, lãi chậm trả là 107,267 tỷ đồng.
Số tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 1/4/2024 cho đến khi Tập đoàn Thiên Thanh thanh toán hết nợ gốc và lãi tiền vay tại Agribank.
Giá khởi điểm cho khoản nợ trên là 350,797 tỷ đồng, bằng đúng giá trị khoản nợ tính đến 31/3/2024.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Phong Hiệp, diện tích 5.054m2, địa chỉ: Lô số 09 Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại khu vực sân vận động Chi Lăng, phường Hải Châu II, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Diện tích và sơ đồ thửa đất được thực hiện từ sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực sân vận động Chi Lăng đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-UBND ngày 21/1/2011.
Ông Phạm Công Danh từng là doanh nhân giàu có bậc nhất Việt Nam, nhưng do có những sai phạm trong quản lý kinh tế, ông thành “gương mặt thân quen” chốn pháp đình qua các vụ đại án xảy ra tại OceanBank, CBBank và Sacombank (Trầm Bê) giai đoạn 2014-2018. Tổng hình phạt mà ông Danh phải nhận là 30 năm tù giam.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Phạm Công Danh vướng vào lao lý xuất phát từ thời điểm 2012, khi ông mua lại Ngân hàng Trust Bank (tiền thân của CBBank) từ bà Hứa Thị Phấn (do cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm môi giới).
Để có 3.600 tỷ đồng trả cho bà Hứa Thị Phấn, ông Danh đã phải vay OceanBank của ông Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng (thông qua Công ty Trung Dung thuộc Tập đoàn Thiên Thanh), ông Trần Quí Thanh (Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) 194 tỷ đồng và vay của chính Trust Bank,...
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận Trust Bank, ông Phạm Công Danh mới vỡ mộng khi ngân hàng liên tục thua lỗ kéo dài, mức lỗ luỹ kế khoảng 8.000 tỷ đồng, dư nợ khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng có đến 95% là nợ khó đòi, không có khả năng thu hồi.
Để có tiền duy trì hoạt động của ngân hàng, ông Phạm Công Danh đã sử dụng tiền của CBBank đem gửi tại 3 ngân hàng khác nhau, dùng chính các hợp đồng tiền gửi này làm tài sản đảm bảo cho 29 pháp nhân là các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng để vay tiền các ngân hàng với số tiền hơn 6.100 tỷ đồng và không có khả năng chi trả.
Về dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ sân Chi Lăng, năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng đã giao khu đất này cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh.
Tháng 7/2014, sau khi ông Danh bị khởi tố, Sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Tháng 4/2022, UBND quận Hải Châu tổ chức phá dỡ nhà dân nằm trong phạm vi dự án để bàn giao mặt bằng sạch cho Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng. Đến nay, dự án vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân xung quanh khu vực sân vận động.