Tháng 6/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). WHO phân loại người chơi game quá mức là đối tượng có vấn đề tâm thần. Đó là những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và đã kéo dài tình trạng này quá 1 năm.

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của trẻ như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu. 

Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách, nên nghiện game có thể tác động xấu đến tương lai của trẻ. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.

W-suc-khoe-tam-than.jpg
Các cơ sở y tế điều trị sức khỏe tâm thần từng tiếp nhận không ít học sinh nhập viện vì nghiện game.

"Mải mê chơi game khiến trẻ không còn thời gian chăm lo học hành, rèn luyện thể lực và sức khỏe, không quan tâm đến thế giới xung quanh, dẫn tới thiếu hụt kỹ năng sống", bác sĩ Vinh cho biết. Thêm vào đó, trẻ nghiện game có nguy cơ cao hơn mắc các rối loạn tâm thần so với trẻ khác, như các rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất,…

"Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam" do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành, cho thấy khoảng 15% - 30% thanh thiếu niên nước ta gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trẻ em trai có tỷ lệ rối loạn hành vi cao hơn và trẻ em gái có tỷ lệ các vấn đề cảm xúc như lo âu và trầm cảm cao hơn.  

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt chỉ tiêu:

- 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần...

- 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi

- 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ nghiện game online cha mẹ, thầy cô nên biết:

- Trẻ thích ở một mình tại phòng/ khu vực riêng để chơi game.

- Game là thứ trẻ nghĩ đến và muốn làm đầu tiên sau khi thức dậy.

 - Viện cớ để tránh phải tham gia một số hoạt động ngăn cản trẻ chơi game (đi dã ngoại cùng gia đình, đến nhà người thân, hoạt động ngoài trời cùng bạn bè, người khác…).

- Chểnh mảng, thiếu kiên nhẫn trong công việc, học tập, sinh hoạt thường ngày, nhưng có thể dành nhiều thời gian, công sức, hoặc tiền bạc vào việc chơi game.

- Thích trò chuyện về các chủ đề, khoe thành tích liên quan đến game; sử dụng thuật ngữ, tên gọi trong game ngay cả trong đời thường.

- Có biểu hiện của che giấu, dối trá liên quan đến những tác động xấu của game.

Nếu không được can thiệp kịp thời, nghiện game sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Chính vì vậy, cha mẹ, thầy cô nên quan tâm trẻ, phối hợp, trao đổi thông tin để kịp thời điều chỉnh hoặc can thiệp trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào game online.

Theo khuyến cáo của thầy thuốc, cha mẹ và thầy cô nên dành nhiều thời gian bên cạnh, lắng nghe, thảo luận với trẻ về hậu quả của nghiện game. Tạo ra nhiều hoạt động thể chất như các trò chơi ngoài trời, các chuyến dã ngoại, hoạt động tập thể, hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ,… để trẻ bớt thời gian ngồi máy tính, điện thoại có trò chơi trực tuyến.

Khi về nhà, cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, hoặc khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu… 

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV