Các nhà khoa học từ trường King London và Đại học Cambridge (Anh) phát hiện sự gia tăng các cơn ác mộng hoặc ảo giác có thể báo hiệu sự khởi phát của căn bệnh lupus. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí eClinicalMedicine, nhóm tác giả cho biết đã xem xét dữ liệu của 676 người mắc bệnh tự miễn. 

ngu ngon.jpg
Giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên có thể cảnh báo bất ổn sức khỏe. Ảnh minh họa: Sepainandspinecare

Trong quá trình khảo sát, các bệnh nhân được hỏi về thời điểm xảy ra các triệu chứng nhất định. Một trong những biểu hiện phổ biến nhất được ghi nhận là “giấc ngủ bị gián đoạn bởi giấc mơ”.

Theo đó, 1/3 số bệnh nhân hay gặp ác mộng trước khi khởi phát bệnh lupus. Ngoài ra, cứ 4 bệnh nhân thì có 1 người bị ảo giác, 85% cho hay trước đó họ không gặp tình trạng này. Một bệnh nhân tâm sự cơn ác mộng rất “khủng khiếp”. 

Về những phát hiện trên, tác giả chính, Tiến sĩ Melanie Sloan, thông tin: “Điều quan trọng là các bác sĩ lâm sàng phải nói chuyện với bệnh nhân về những loại triệu chứng này và dành thời gian theo dõi tiến triển triệu chứng của từng người. Bệnh nhân thường biết những biểu hiện nào là dấu hiệu xấu cho thấy bệnh của họ sắp bùng phát. Nhưng cả bệnh nhân và bác sĩ ít thảo luận về các triệu chứng liên quan tới sức khỏe tâm thần và thần kinh”. 

Giáo sư David D'Cruz nói thêm: “Trong nhiều năm, tôi đã thảo luận về những cơn ác mộng với người bị lupus và nghĩ rằng có mối liên hệ với tình trạng bệnh của họ. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về điều đó. Chúng tôi khuyến khích các bác sĩ hỏi về những cơn ác mộng cùng các triệu chứng tâm thần - thần kinh khác để giúp phát hiện các đợt bùng phát bệnh sớm hơn. Chúng được cho là bất thường nhưng thực sự rất phổ biến trong bệnh tự miễn”. 

Tác giả nghiên cứu và nhà thần kinh học Guy Leschziner chia sẻ nghiên cứu này là “bằng chứng đầu tiên cho thấy ác mộng cũng có thể giúp chúng ta theo dõi tình trạng tự miễn nghiêm trọng”.

phat ban.jpg
Triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh lupus là ban đỏ hình cánh bướm trên mặt. Ảnh: Tuasaude

Bệnh lupus là gì? 

Lupus xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, nhiễm trùng lại quay ra tấn công các mô. Lupus gây ảnh hưởng rộng đến da, khớp, tim mạch, phổi, thận, hệ tiêu hóa và não.

Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh lupus, nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lupus, nhưng nữ giới có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới. Bệnh thường xảy ra ở những người từ 15 đến 45 tuổi.  

Khi bị lupus, người bệnh có thể bị sốt, chán ăn, mệt mỏi kéo dài, giảm cân, ban đỏ hình cánh bướm ở mặt, ban dạng đĩa trên da, loét miệng, mũi họng, phù da, đau, sưng, nóng, đỏ khớp. Các triệu chứng này có thể bùng phát rồi thuyên giảm, xảy ra thường xuyên hoặc đôi khi cách nhau vài năm.

Bệnh còn có biểu hiện tổn thương nội tạng:

- Tim mạch: Tăng huyết áp, viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, suy tim…

- Phổi: Viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi kẽ, chảy máu phế nang.

- Thận, tiết niệu: Viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận.

- Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, triệu chứng bán tắc ruột.

- Não và thần kinh: Co giật, đau đầu, các vấn đề thị lực, trí nhớ hay rối loạn tâm thần.

- Huyết học: Thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu.