Theo Tổng Cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Chúng có thể gây ra thiệt hại đáng kể và rất khó dự đoán.

Nguyên nhân gây ra sạt lở đất, thứ nhất là do liên kết cấu trúc trong nền đất bị thay đổi. Cụ thể, liên kết trong cấu trúc đất đá của khu vực đó bị yếu đi do tác động của thời tiết và ngoại cảnh dẫn tới không còn đủ chắc chắn để giữ vững cấu trúc ban đầu.

sat lo dat.jpg
Cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh minh hoạ: Chiến Hoàng.

Thứ hai, do tác động từ môi trường, thời tiết. Mưa lớn kéo dài làm cho lượng nước được tích tụ trong đất tăng lên dẫn tới phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng. Các mối liên kết giữa đất với đất, giữa đất và rễ cây không đủ bền chắc để có thể giữ được lớp đất đá ở địa hình sườn dốc dẫn đến việc sạt lở.

Thứ ba là tác động từ con người tới môi trường. Con người khai thác gỗ, gây cháy rừng làm mất lớp mùn phủ bề mặt giúp thoát nước cũng như làm yếu liên kết giữa các tầng địa chất với nhau dẫn đến việc sạt lở dễ dàng xảy ra hơn.

Ngoài ra, các hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng đất, đào hầm, đào hố cũng góp phần làm yếu đi các lớp liên kết giữa đất và những phần khác nên càng gia tăng nguy cơ sạt lở đất.

Dấu hiệu nhận biết

Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, dấu hiệu của sạt lở đất là mưa nhiều ngày, mưa lớn; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất; xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục…

Từ đó, Tổng cục phòng chống thiên tai chỉ ra các biện pháp phòng tránh sạt lở đất. Đó là, trồng cây, bảo vệ rừng để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết; theo dõi tin tức trên báo, đài và tivi về các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao; chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương. 

Đồng thời, gia cố nhà cửa, đập tạm, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ; chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…; tìm hiểu xem ở khu vực gần nhà mình từng xảy ra sạt lở đất chưa; không nên xây nhà ở khu vực đã từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực ven sông, suối, sườn dốc, gần mái dốc đường giao thông.

sat lo.png
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân bị bùn đất vùi lấp sau vụ sạt lở tại thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn), xảy ra trung tuần tháng 6. Ảnh: Bắc Kạn 24h

Lắng nghe âm thanh bất thường và cách phòng tránh

Theo các nhà quản lý và chuyên gia, cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở; lắng nghe xem có âm thanh bất thường cho thấy các mảnh vụn đang di chuyển hay không, chẳng hạn như tiếng gãy cây hoặc đất đá va vào nhau;… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển… Đây có thể là một vài dấu hiệu của một vụ sạt lở sắp xảy ra.

Trường hợp nếu đang ở gần một dòng suối, hãy chú ý đến bất kỳ sự gia tăng hoặc giảm đột ngột nào của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Đặc biệt, nếu đang lái xe trên những cung đường đèo khi trời mưa lớn, phải thật cảnh giác, quan sát và chú ý mặt đường có bị sập, bùn, đá rơi và các dấu hiệu khác cho thấy có thể có các mảnh vụn trên rừng đang chảy xuống.

Ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở, hãy di chuyển người và tài sản đến những nơi an toàn. Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc, tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận. Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…

Đặc biệt, cần đề phòng lũ quét có thể xảy ra sau khi sạt lở đất hoặc dòng chảy của các mảnh vụn. Thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, sơ tán đến các khu vực an toàn và đồng thời cùng cơ quan chức năng khắc phục hậu quả do sạt lở đất, đá gây ra nếu có thể.

Đối với chính quyền địa phương cần chú ý, vì đa số người dân tại những khu vực dễ xảy ra sạt lở thường sinh sống ở đây rất lâu đời và chưa từng xảy ra những sự việc tương tự nên thường chủ quan, khi được cảnh báo di dời thường chần chừ. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết phải di dời có thể dùng biện pháp cưỡng chế.

Cơ quan chức năng cũng đặc biệt lưu ý, người dân không được đi qua và lại gần quanh khu vực sạt lở đất; không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường...

Sạt lở đất là hiện tượng thiên tai gây tác hại rất lớn tới sinh mạng và cuộc sống của con người, phá huỷ tài sản, nông sản, vật nuôi, gia súc, gia cầm các công trình kiến trúc và hơn hết là cả sinh mạng của con người.

Hiện tượng thiên tai này cũng phá vỡ cấu trúc địa hình của khu vực đó dẫn tới có thể cắt đứt nhiều công trình giao thông quan trọng khiến cho việc di chuyển khó khăn hơn, hỗ trợ người dân tại những khu vực này cũng sẽ vất vả hơn.

Do đó, để chủ động phòng, tránh và xử lý đối với sạt lở đất tại khu vực nơi ở, làm việc, mỗi người dân cần tìm hiểu về một số nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình, người thân và tài sản.

T.A