Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, diễn biến thiên tai những tháng cuối năm 2024 rất phức tạp, khó lường. Để chủ động ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều địa phương đã họp bàn và đưa ra các biện pháp phòng chống.
Cụ thể, tỉnh Điện Biên yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không được phép lơ là, chủ quan trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các phòng chức năng của huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo trì giao thông; các doanh nghiệp đang thi công dự án, công trình trên địa bàn chủ động phương tiện máy móc, để khi xảy ra sạt lở là khắc phục ngay, tránh ách tắc dài ngày, ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Các đơn vị duy tu, bảo trì đường bộ, nhất là các tuyến quốc lộ, cần khảo sát, chủ động dự trữ nguyên, vật liệu tại các vị trí xung yếu để khắc phục, thông đường kịp thời. Với các vị trí ngầm, tràn thường xảy ra ngập úng, cần bố trí lực lượng chức năng túc trực, điều tiết, phân luồng giao thông; nhắc nhở, cảnh báo người dân không băng qua ngầm, tràn bằng mọi giá. Phải đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và người thân là trên hết.
Đồng thời, theo nhận định, mùa mưa Tây Bắc còn kéo dài đến tháng 9, do vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh sạt lở đất, nhất là khi chính quyền địa phương có cảnh báo, thông báo di dời khẩn cấp. Với những hộ dân không chấp hành, cần thực hiện cưỡng chế để di dời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Tại Cao Bằng, tuần đầu tháng 6, hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 cũng đã được tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) Hoàng Văn Thạch nhấn mạnh, các sở, ngành và các cấp địa phương tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên.
Đồng thời, ông Thạch yêu cầu rà soát kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, TKCN và tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó thiên tai và TKCN trước mùa mưa lũ năm 2024.
Ông Thạch lưu ý, cần tăng cường công tác đào tạo tập huấn, diễn tập đảm bảo năng lực ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.
Cũng trung tuần tháng 6, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi kiểm tra công tác PCTT&TKCN trên địa bàn TX Kỳ Anh.
Phó Chủ tịch tỉnh Trần Báu Hà nhấn mạnh, TX Kỳ Anh là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai và dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, yêu cầu chính quyền địa phương cần tập trung, chủ động để ứng phó; rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”… Tổ chức sơ tán dân tránh, trú bão, lũ an toàn khi có bão, lũ lớn hoặc siêu bão xảy ra; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTT&TKCN đến từng người dân.
Bảo vệ các vị trí trọng yếu
Chiều 1/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lê Ngọc Châu cũng đi kiểm tra tại công trình trọng điểm đê La Giang và TX Hồng Lĩnh.
Công trình đê La Giang là trọng điểm chống lũ của tỉnh này. Phó Chủ tịch tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ an toàn đê; rà soát, kiểm tra những vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố và xây dựng phương án cụ thể về chỉ đạo, điều hành, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần thực hiện.
Đối với TX Hồng Lĩnh, cần tiếp tục tập trung, chủ động rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh trong vận hành hồ đập khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; rà soát, thống kê và lên phương án di dời dân tại các vị trí xung yếu, dễ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất khi có mưa lớn kéo dài.
Trước đó, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thành phố chuẩn bị bước vào thời kỳ lũ chính vụ, vì vậy, các đơn vị, địa phương cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch hộ đê, nhất là tại các vị trí, địa bàn trọng điểm, xung yếu.
Đặc biệt, ông Quyền lưu ý, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ".
Hà Nội hiện có tổng số 626,513km đê được phân cấp. Ngoài ra, còn có 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 144,152km chưa được phân cấp. Công tác đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ năm 2024 đã được hoàn thiện. Có 5 trọng điểm xung yếu cấp thành phố cần được bảo vệ. Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông được thực hiện thường xuyên, các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời.
Tại Thanh Hóa, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện, ngay từ đầu năm 2024, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đã tiến hành rà soát, đánh giá, cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án phòng, chống lũ lụt, quy chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan, cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực sát với thực tế; rà soát, kiểm tra các hạng mục công trình của nhà máy.
Ban quản lý các nhà máy thủy điện cũng chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ tại công trình;...
Thu Ba