Trên cơ thể mỗi người có khoảng 400 hạch, nằm rải rác ở các cơ quan. Hạch có chức năng tiêu diệt virus, các tế bào lạ. Hạch xuất hiện tự nhiên và có chức năng bảo vệ vùng hạch có mặt. Đa phần hạch là lành tính nhưng một số có thể là ác tính.
Nếu bạn thấy hạch ở cổ to lên, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hàm cổ và các vùng khác. Khi cơ thể chống lại sự tấn công của vi trùng, vi khuẩn, các bạch cầu sẽ tập trung tại khu vực hạch và phồng to.
Ngoài ra, hạch cổ sưng to cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư, lupus ban đỏ... Khi thấy hạch cổ to và không giảm kích thước từ 2 đến 4 tuần kèm dấu hiệu đau đớn, sưng ở vùng khác trong cơ thể, bạn nên đến kiểm tra tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ khám, siêu âm, chọc tế bào hoặc sinh thiết hạch để có chẩn đoán chính xác.
Hạch nổi ở cổ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh ung thư như u lympho ác tính không Hodgkin, bệnh Hodgkin. Hạch có thể do di căn từ các cơ quan khác như ung thư khoang miệng, vòm, họng, thanh quản, phổi, vú… Khi tế bào ung thư tách khỏi khối u sẽ di chuyển tới các vị trí khác qua đường máu hoặc đường bạch huyết. Tế bào theo đường bạch huyết sẽ di chuyển tới các hạch bạch huyết, bắt đầu sinh trưởng và hình thành khối u mới.
Bốn dấu hiệu cảnh báo hạch cổ ác tính:
- Hạch cổ cứng, không di chuyển.
- Hạch có kích thước từ 2cm trở lên.
- Hạch kèm theo sốt, sưng tấy, đỏ bầm khi chạm vào.
- Cơ thể giảm cân không giải thích được lý do.
Điều trị hạch cổ phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu hạch do nhiễm trùng sử dụng thuốc kháng sinh, do viêm, bệnh nhân sử dụng kháng viêm còn hạch do ung thư, cần hóa trị, xạ trị.
Khi hạch to, bệnh nhân không tự điều trị hạch. Ngoài ra, hằng ngày, bạn không nên sờ vào các hạch ở cổ. Thói quen này có thể tạo ra phản ứng viêm, gây sưng to hạch.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành - Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội)