Chị P.T.T. (36 tuổi, trú tại Hà Nội) đến một bệnh viện ở Hà Nội khám vì đau âm ỉ, tức bụng suốt 3 tuần. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số Gamma GT tăng cao: 90.42 U/L (bình thường 5.00-36.00 U/L), chỉ số AFP tăng cao: 797,4 ng/mL (bình thường 0-7,00 ng/mL). Đây là marker có giá trị chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư gan

Bác sĩ tiếp tục cho chị T. làm các xét nghiệm chuyên sâu. Khi chụp MSCT cản quang toàn thân, bác sĩ chẩn đoán chị T. bị ung thư gan giai đoạn cuối, viêm gan siêu vi B, theo dõi di căn phổi.

Kết quả khám khiến chị T. và gia đình rất sốc. Mẹ chị từng bị ung thư gan đã qua đời.

Trước đó, chị T. mắc viêm gan B giống mẹ, luôn tuân thủ điều trị nhưng từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chị bỏ không theo dõi vì thấy vẫn khỏe.

Kết quả xét nghiệm các chất chỉ điểm ung thư gan của chị T. cao đột biến. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B tại Việt Nam hiện khoảng 8,1% dân số. 

Theo bác sĩ Huyền, virus gây viêm gan B lây lan qua nhiều đường khác nhau như:

- Từ mẹ sang con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai.

- Quan hệ tình dục không an toàn.

- Dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm làm móng, xăm mày, xăm môi, xỏ khuyên tai.

- Tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh qua vết thương hở, bạn cũng có nguy cơ nhiễm virus.

- Các thủ thuật y tế như làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa…

Nếu nhiễm virus viêm gan B, 95% người lớn từ 16 tuổi trở lên có miễn dịch khỏe sẽ tự đào thải virus. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa mạnh nên khả năng đào thải virus kém và tiến triển thành viêm gan B mạn. Chỉ có 5-10% trẻ sơ sinh có thể đào thải virus, số còn lại chuyển thành mạn tính.

Khi viêm gan B chuyển sang giai đoạn mạn tính, 30% số người bệnh tiến triển thành xơ gan, 5-10% chuyển sang ung thư gan. Tại Việt Nam, hơn 60% người mắc ung thư gan bị viêm gan B.

Viêm gan B là thủ phạm gây ung thư gan hàng đầu ở nước ta và người bệnh thường phát hiện muộn. Theo bác sĩ Huyền, viêm gan B mạn tính không có triệu chứng, người bệnh chủ quan không khám. Khi có dấu hiệu đau tức hạ sườn, chán ăn, mệt mỏi có thể bệnh đã chuyển sang ung thư gan.

Hiện nay, tỷ lệ mắc viêm gan B trong cộng đồng người Việt rất cao. Để biết mình có mắc viêm gan B hay không, cần xét nghiệm HBsAg. 

Nếu chỉ số HBsAg dương tính, bạn đã mắc viêm gan B. Khi đó, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị tại các chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa gan mật định kỳ theo hẹn.

Phụ nữ đang mang thai hoặc dự kiến sắp sinh con nhiễm viêm gan B cần được khám và tư vấn về các dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tiêm vắc xin. Trẻ cần hoàn thành 3-4 mũi tiêm. 

Theo thống kê từ Tổ chức Globocan 2020, tại Việt Nam, số ca mắc ung thư gan vượt ung thư phổi về tỷ lệ mắc cũng như tử vong, với hơn 26.000 ca mắc mới, hơn 25.000 ca tử vong, chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư gây ra. Những người có nguy cơ mắc ung thư gan là người mang virus viêm gan B hoặc C, xơ gan, lạm dụng rượu, bia, chất kích thích, nhiễm độc aflatoxin hoặc gia đình có người bị ung thư gan.