Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ngày 7/2, bệnh nhân là ông N.A.L, sinh năm 1971, ở Tiên Yên, Quảng Ninh. Ông L. có tiền sử uống rượu nhiều năm.

Sau khi ông xuất hiện cơn co giật, gia đình đưa ông vào Trung tâm y tế huyện sơ cứu, sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, mất nhận thức. Qua thăm khám và chụp cắt lớp dựng hình mạch não, các bác sĩ chẩn đoán ông L. bị xuất huyết não chẩm phải do vỡ thông động tĩnh mạch não  trên nền tăng huyết áp, xơ gan, rối loạn đông máu.

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, đánh giá tình trạng bệnh nhân nặng, hội chẩn liên khoa nhận định ông L. cần nhanh chóng hồi sức tích cực, chuyển mổ cấp cứu ngay để hạn chế tối đa di chứng.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối máu tụ, ổ dị dạng mạch máu não được phẫu thuật lấy bỏ. Ảnh: BVCC

Các biện pháp chống phù não, truyền bổ sung khối hồng cầu, huyết tương và tiểu cầu được thực hiện ngay. Khi các chỉ số tạm ổn định, bệnh nhân lập tức được chuyển mổ cấp cứu lấy khối máu tụ và ổ dị dạng mạch não.

Ca mổ diễn ra trong 6 giờ đồng hồ, bác sĩ lấy bỏ toàn bộ khối máu tụ kèm ổ dị dạng AVM. Sau mổ 5 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, giao tiếp tốt, ăn uống bình thường, vận động đi lại nhẹ nhàng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tích cực, giao tiếp và vận động tốt. Ảnh: BVCC

Dấu hiệu dị dạng thông động tĩnh mạch não 

Lý giải thêm về bệnh lý dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) mà ông L. mắc phải, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bình thường, các động mạch có nhiệm vụ đưa máu giàu oxy từ tim đến não, còn các tĩnh mạch làm điều ngược lại, đưa máu bị thiếu oxy trở lại phổi và tim. AVM não là một đám rối của các mạch máu bất thường nối động mạch và tĩnh mạch trong não, không qua mạng lưới mao mạch, do đó làm rối loạn quá trình này.

Đây là một bất thường mạch máu trong não. AVM có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào cho đến khi bị vỡ (như ông L.), dẫn đến chảy máu não. Chỉ 1-3% trường hợp bị AVM não bị vỡ, 50% bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên là xuất huyết. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán do kiểm tra sức khỏe hoặc do các vấn đề khác (như chấn thương sọ não) không liên quan đến khối dị dạng.

Một số triệu chứng khác của AVM như: Co giật, đau đầu, chóng mặt, yếu liệt, nói khó, nhìn mờ, lú lẫn.

Các triệu chứng của AVM có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện trong độ tuổi từ 10 đến 40. Các AVM não có thể làm tổn thương mô não theo thời gian. Các tác động tích tụ từ từ và thường gây ra các triệu chứng ở tuổi trưởng thành sớm.

Dị dạng thông động tĩnh mạch não có thể gây ra hiện tượng “trộm máu não” do dòng máu bị hướng đến khối dị dạng thay vì việc cung cấp dưỡng chất cho các tế bào não, từ đó hình thành các cơn nhồi máu não.

Các công cụ chẩn đoán hình ảnh chụp mạch máu não, chụp cộng hưởng từ mạch não, chụp cắt lớp vi tính đều có thể chẩn đoán được AVM. Dị dạng thông động tĩnh mạch não là bệnh có thể chữa được. Nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật có thể trở về cuộc sống bình thường, nhưng nếu đến viện ở giai đoạn muộn có thể sẽ để lại những di chứng nặng nề. Khoảng 10 - 15% vỡ dị dạng động tĩnh mạch não gây tình trạng nặng và nguy cơ tử vong.