Giảm thuế nhập khẩu nhưng Chính phủ lại đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, dự báo, đầu năm 2016, thị trường ô tô hứng đợt tăng giá mới.
Ngày 28/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 108 để quy định giá tính thuế mới để hướng dẫn Luật bổ sung, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo đó, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) thay vì chỉ là giá CIF nhập tại cảng Việt Nam kèm thuế nhập khẩu trước đây. Như vậy, giá thuế TTĐB mới so với cũ sẽ phải cộng thêm một phần lợi nhuận, chi phí, cước vận chuyển từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối cho người tiêu dùng. Ước tính, giá nhiều loại xe sẽ “dâng” thêm 15- 30% so với giá hiện tại.
Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, ông Hồ Mạnh Tuấn cho hay: Đáng lẽ, nghị định này phải ra đời từ nửa đầu năm để kịp đưa vào hướng dẫn Luật bổ sung, sửa đổi Luật Thuế TTĐB. Chưa kể, thời điểm Nghị định này có hiệu lực (1/1/2016) đúng lúc Bộ Tài chính đang muốn đề xuất luật sửa đổi đang dự thảo được thông qua và có hiệu lực. Ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Cty CP Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam lại cho rằng, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thuế TTĐB vừa ban hành chưa ráo mực, nay dự thảo luật lại thay đổi và cùng ngày áp dụng làm doanh nghiệp khổ.
Ảnh minh họa |
Cụ thể hơn, ông Trung cho rằng, sau khi tính cẩn thận về thuế đối với xe ô tô, từ sau 1/1/2016 (thời điểm áp dụng cách tính giá tính thuế TTĐB mới), giá xe sẽ tăng ít nhất 15%, thậm chí có mẫu xe tăng đến tận 30% so với giá xe bán ra hiện nay. “Đó là chưa tính đến ngày 1/7/2016, giá xe động cơ công suất từ 2.0 trở nên còn tăng cao hơn nữa dù thuế nhập khẩu giảm”, ông Trung nói.
Trước đó, tại buổi họp chuyên đề cuối tháng 10, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho hay, với việc thay đổi thuế TTĐB mới theo dự thảo, giá xe con phân khúc động cơ thấp (dưới 2.0) sẽ giảm, thậm chí giảm tới 42%.
Tuy nhiên, lập luận của một cố vấn cấp cao Toyota (hãng xe giữ chức chủ tịch luân phiên VAMA) đã chỉ ra, việc điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xe có dung tích xi-lanh dưới 1.0 lít gần như không có tác động tới thị trường, bởi dòng xe này ở Việt Nam rất ít và chủ yếu phục vụ các hãng vận tải hành khách, taxi. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi này, không chỉ ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu chính hãng, ngay các hãng lắp ráp và sản xuất trong nước thuộc thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) cũng bị ảnh hưởng, giá xe sẽ tăng không dưới 30% đối với xe có công suất lớn.
Theo cam kết TPP, Việt Nam chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc từ các nước trong khu vực TPP vào năm thứ 13. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.0 trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.
(Theo Tiền Phong)