Tác phẩm điện ảnh Vầng trăng thơ ấu của đạo diễn Hồ Ngọc Xum vừa chính thức ra mắt tại TPHCM. Trước đó, phim dự kiến ra rạp vào dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác song vì nhiều lý do khách quan nên lỡ hẹn.

W-batch_ddz5512365396363_bdf050eda8cee850f8ecd9bd01b71d7a.jpg
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum. 

Chia sẻ với VietNamNet, đạo diễn Hồ Ngọc Xum bày tỏ niềm vui, sự xúc động khi đứa con tinh thần chính thức chào đời. Tác phẩm mất hơn 1 năm chuẩn bị, gần 6 tháng quay và thực hiện hậu kỳ. 

“Từ lúc cầm kịch bản trên tay tới khi cảnh quay cuối cùng hoàn thiện, tôi có chung niềm tự hào, lâng lâng hạnh phúc. Phim đã đi trọn chặng hành trình để kịp ra mắt hôm nay - cũng là dịp kỷ niệm 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”, nam đạo diễn bày tỏ. 

Thời gian ròng rã quay phim, Hồ Ngọc Xum có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông nhớ nhất phân đoạn bà Hoàng Thị Loan qua đời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên thời thơ ấu của Bác Hồ) bật khóc nức nở, đưa quan tài của mẹ đi dọc dòng sông Hương. Khi thực hiện cảnh này, đạo diễn và ê-kíp đều chảy nước mắt. 

Đạo diễn hé lộ, điều khiến ông tâm đắc nhất với dự án là khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường với không ít trò nghịch tinh quái như bao đứa trẻ khác. Bộ phim không đi theo hướng “thần thánh hóa” cuộc đời của Người. 

“Chúng tôi muốn kể về tuổi thơ Bác Hồ vừa vui nhưng cũng vừa buồn, để cả người lớn lẫn trẻ em có thể cảm nhận được”, ông nói thêm. 

W-batch_ddz5512365406516_cf807bed9e67e2865c2e6c1ef7cf190f.jpg
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum và ông Nguyễn Tiến Hưng- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phim Giải Phóng

Ông Nguyễn Tiến Hưng- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phim Giải Phóng tác phẩm thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà nước, với kinh phí ước tính 20 tỷ đồng. 

Theo ông Hưng, tác phẩm mang tính mới lạ khi khai thác về thuở niên thiếu của Bác. Trước đó, nhiều phim làm về đề tài Bác nhưng chủ yếu ở giai đoạn khi Người ra đi tìm đường cứu nước. 

Hiện hãng phim có kế hoạch làm văn bản gửi ra Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Cục Điện ảnh để xin phép chiếu rộng rãi phục vụ công chúng, tương tự như Đào, phở và piano đã làm được. 

“Phim mang giá trị về lịch sử, giáo dục và ý nghĩa về cuộc đời Bác. Thời điểm này cũng là dịp hè nên chúng tôi muốn nhiều em thiếu nhi có thể xem được, qua đó có thêm bài học về lòng yêu nước, tự hào dân tộc”, ông Hưng nói. 

Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim có một số chi tiết hư cấu song đều dựa trên tư liệu truyền miệng để khi xem phim, khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục. 

batch_ddvang trang tho au ra mat 4 2264.jpg.jpg
Các diễn viên có mặt trong buổi ra mắt phim. Ảnh: Văn Tuấn

Buổi ra mắt bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên chính gồm: bé Phạm Hữu Đại – người thủ vai Nguyễn Sinh Cung (tên của Bác Hồ khi còn nhỏ), bé Lưu Văn An – người thủ vai Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ), diễn viên Ngô Lệ Quyên (vai bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ).

Diễn viên Bạch Công Khanh – người đảm nhận một phân cảnh duy nhất cuối phim, khi Bác Hồ bước vào giai đoạn thanh niên, với tên gọi Nguyễn Tất Thành cùng một số diễn viên nhí trong vai những người bạn của Bác Hồ giai đoạn sống ở Huế cũng góp mặt.